Huyện Phú Tân

UBND xã Phú Lâm

  • Ông: Nguyễn Văn Bình

    (Bí thư - Chủ tịch xã)

    Điện thoại: 0914.150.021

  • UBND huyện Phú Tân

    Điện thoại: 02963.827.227

  • Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

Tổ Chức Bộ Máy Hành Chính

Giới thiệu sơ lược về điều kiện tự nhiên, lịch sử phát triển, dân số, kinh tế

23/04/2020

Vị trí địa giới hành chính: Xã Phú Lâm nằm dọc theo Tỉnh lộ 954 dài 4,6km. Diện tích tự nhiên toàn xã là 1.507,44 ha; diện tích sản xuất đất nông nghiệp là 1.267,3 ha, hệ thống sông ngòi chính có sông Cái Vừng chảy qua, địa bàn xã được phân chia gồm 06 ấp ( Phú Hòa A, Phú Hòa B, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Phú Lợi, Tân Phú); Phía Bắc giáp xã Long Hòa, phía Nam giáp xã Phú Thạnh, phía Tây giáp xã Phú Long, phía Đông giáp huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi sông Cái Vừng).

Toàn xã có 3.042 hộ với 11.285 nhân khẩu. xã có địa hình đồng bằng, kênh rạch xen lẫn tạo lên nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú kết hợp với di tích lịch sử, toàn xã hiện có 288 hộ Gia đình chính sách (trong đó: 04 mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh Hùng, 72 gia đình thương binh liệt sĩ); nơi đây là vùng căn cứ kháng chiến trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, xã có 01 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh là Thánh Thất Cao Đài Phú Lâm. Xã đạt danh hiệu văn hóa năm 2011.

             - Lãnh đạo địa phương:

            Nguyễn Văn Bình  Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân

            + Nhan Ngọc Minh  Phó Bí thư Đảng ủy

            + Lê Thị Thanh Loan - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân

            + Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

            + Lê Thành Nhựt - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

 

          Sự hình thành và phát triển:

 

Phú Lâm – một xã nằm dọc sông Tiền của huyện Phú Tân, được hình thành từu lâu đời theo cuộc khai hoang, mở đất, gìn giữ biên cương của cha ông ta từ thời nhà Nguyễn trên vùng đất Tân Châu đạo xưa. Trải qua các thời kỳ, dù địa bàn có khi lớn, nhỏ những vẫn mang trên mình địa danh Phú Lâm kể từ lúc lập làng, mở đất cho đến ngày nay.

            Ngược dòng lịch sử, có thể đặt dấu mốc vào năm Đinh sửu 1757, Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền trên vùng đất An Giang, cho lập ba đạo Đông khẩu (Sa Đéc), Tân Châu và Châu Đốc. Khi đó, các thôn ấp ở địa bàn xung quanh thược quyền cai quản của Tân Châu đạo thuộc Dinh Long Hồ theo chế độ quân quản.

            Năm 1832, Minh Mạng chia các trấn thành tỉnh, Phú Lâm (lúc ấy là thôn Phú Lâm) thuộc địa phận tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Việc xác lập địa danh vùng đất này vào đầu triều Minh Mạng (1820 -1840). Địa bạ triều Nguyễn, được biên soạn năm 1836 – có ghi rõ thôn Phú Lâm thuộc tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Theo đó, Phú Lâm thôn ở 3 xứ Tân Cổ, Nguyệt Vị, Ma Châu. Đông giáp sông, nhìn sang thôn An Phong ( tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường). Tây giáp địa phận thôn Bình Thạnh Đông (An Lương). Nam giáp địa phận thôn Mỹ Lương ( An Lương). Bác giáp địa phận thôn Long Sơn.

            Thực canh đất trồng trọt 549.4.13.02 ( đọc là 549 mẫu, 4 sào, 13 thước, 0 tấc). Gồm vu đậu thổ 547.4.13.0 ( 145 sở và BTĐC ( bản thôn đồng canh) 5 sở là 21.3.9.0); đất trồng mía 2.0.0.0 ( 1 chủ); mộ địa 4 khoảnh; rừng chằm 3 khoảnh.

            Từ năm 1857, thành lập quận Tân Châu, Phú Lâm là xã thuộc tổng An Lạc. Cho đến năm 1917, xã Phú Lâm (cùng với Hòa Hảo, Phú An) thuộc tổng An Lạc, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Theo Nghị định số 134/NĐ ngày 24/4/1957 và Sắc lệnh 246/NV của Chính phủ VNCH ngày 08/9/1964, xã Phú Lâm ( cùng với Hòa Hảo, Phú AN) vẫn thuộc tổng An Lạc, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Khi đó xã Phú Lâm gồm 08 ấp là : Phú Thạnh A, Phú Thạnh B, Phú Hòa A, Phú Hòa B, Phú Hữu A, Phú Hữu B, Phú Mỹ Hạ, Phú Mỹ Thượng. Sau này, có lúc còn 4 ấp là Phú Mỹ ( vùng kinh thần nông), Phú Hòa, Phú Thạnh, Phú Hữu. Dưới chính quyền Sài Gòn, địa bàn xã Phú Lâm (chạy dài từ cây số 11 đến cây số 23 rưỡi) thuộc quận Tân Châu cho đến ngày giải phóng (1975); ngày nay gồm Thị trấn Chợ Vàm, xã Phú Thạnh, Phú Thành, Phú Long, Phú Xuân và Phú Lâm bây giờ (còn lại từ cây số 11 đến số 15)

            Về phía chính quyền cách mạng, đến trước năm 1948, địa bàn Phú Lâm thuộc quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Từ tháng 3/1948 khi thành lập tỉnh Long Châu Tiền, Phú Lâm vẫn thuộc huyện Tân châu. Từ tháng 6/ 1951, thuộc huyện Tân Châu, Tỉnh Long Châu Sa. Nhằm kiện toàn tổ chức, bộ máy cho phù hợp tình hình, những năm 1947-2951, một số xã của Tân Châu được ghép lại, trong đó Phú Lâm – Long Thuận – Phú Thuận ghép lại thành xã Lâm – Phú – Long

            Tháng 10/1954 khi hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được lập lại, Phú Lâm thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Nam 1957, Long Xuyên và Châu Đốc nhập thành An Giang, Phú Lâm thuộc huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Từ cuối năm 1961, là một xã của liên huyện Tân Châu- An Phú, tỉnh An Giang.

            Để kiện toàn địa bàn đấu tranh cách mạng phù hợp với đặc điểm vùng nông thôn tôn giáo của An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện Phú Tân được thành lập từ tháng 12/1968. Phú Lâm chính thức là một xã của huyện Phú Tân. Tháng 9/1974, sau khi thành lập tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Huyện Phú Tân nhập thêm một số xã của Hồng Ngự,  Thanh Bình (thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay) để chia thành hai huyện Phú Tân A và Phú Tân B, nên từ tháng 9/1974 đến tháng 5/1975 , xã Phú Lâm thuộc huyện Phú Tân A.

            Sau ngày giải phóng, khi lập lại tỉnh An Giang (theo Quyết định số 19 của Bộ Chính trị ngày 20/12/1975), huyện Phú Tân được sắp xếp lại. Lúc đó vẫn còn xã Phú Lâm như trước đó.

            Theo Quyết định số 181/CP, ngày 25 tháng 4 năm 1979 của Hội đồng Chính Phủ, huyên Phú Tân thành lập thêm 5 xã mới. Trong đó có 3 xã liên quan xã Phú Lâm, đó là Phú Thành ( tách từ ấp Phú Mỹ Thượng của xã Phú Lâm và ấp Hòa Bình, Hòa An của xã Hòa Lạc), Phú Thạnh ( tách từ ấp Phú Thạnh của xã Phú Lâm) và thị trấn Chợ Vàm (tách từ ấp Phú Hữu của xã Phú Lâm và ấp Phú Xướng của xã Phú An). Diện tích của xã từ 83,72 km2 từ trước năm 1979, nay còn lại 14,28 km2.

            Về địa lý tự nhiên, Phú Lâm thuộc nhóm các xã ở giữa cánh sông Tiền, nhưng gần hướng Tân Châu hơn. Nhìn trên bản đồ hiện nay, xã có hình tam giác, với nữa cạnh đáy trải dọc theo hữu ngạn sông Tiền, còn lại hướng vào đỉnh ở phía bắc tới tận mương số 5 Long sơn, có nguồn nước ngọt quanh năm, phù sa màu mỡ..

            Địa giới hành chính của xã hiện nay: đông giáp xã Phú Thuận, huyện Hồng ngự, tỉnh Đồng Tháp qua sông cái vừng (một nhánh sông Tiền); Tây giáp xã Phú Thành và Phú Long; Nam giáp xã Phú Thạnh; Bắc giáp xã Long Hòa.

            Do yêu cầu điều chỉnh địa giới hành chính, số ấp của Phú Lâm từu trước đến giờ có nhiều sự thay đổi về địa giới và tên gọi. Từ 4 ấp căn bản trước tháng 5/1975 là ấp Phú Mỹ Thượng, ấp Phú Hòa, ấp Phú Thạnh, ấp Phú Hữu. Từ giữa năm 1979, sau khi tách xã Phú Lâm còn lại 3 ấp là ấp Phú Hòa, Phú Thuận, Phú Lợi. Đến năm 2010, tách thêm 3 ấp thành 6 ấp như hiện nay là Phú Hòa A, Phú Hòa B, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Phú Lợi và Tân Phú.

            Địa chính đất đai bằng phẳng, như một điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thấp dần từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Trên địa bàn ngoài rạch cái Vừng (sau này đã thành sông) còn có các ngọn rạch nhỏ dẫn nước vào ruộng, lớn nhất là mương số 13…đáng chú ý là kênh Thần Nông – một thời được xem là ranh giới tự nhiên giữa Phú Lâm với Hòa Lạc. Nam 1882, thực dân Pháp cho phóng tuyến đào kênh Thần Nông đi suốt dọc giữa huyện Phú Tân gày nay, bắt đầu từ xã Phú Vĩnh nối liền kênh Vĩnh An kéo dài đến rạch Cái Đầm nhằm mục đihcs tiêu nước vào mùa mưa và lấy nước tưới vào mùa kiệt cho toàn vùng. Theo thiết kế thời đó, kênh này dài 25km, rộng 6 m và sâu 3m. Kênh đào trong 6 năm, nhưng khi còn cách Cái Đầm 5 km thì công việc đào kênh bị đình chỉ, sử sách không ghi rõ nguyên do, mãi mấy năm sau mới được đào thông 5 km còn lại.

            Diện tích tự nhiên tàn xã theo sách Tân Châu xưa (biên soạn năm 1964) là 8.382 mẫu (ha); năm 1970 vẫn là 83,8 km2 ( là xã lớn nhất quận Tân Châu cũ)… sau ngày giải phóng, số liệu theo biểu cơ cấu đất đai phân theo  xã của huyện Phú Tân vào năm 1978, thì xã Phú Lâm có tỏng diện tích tự nhiên là 8.372 ha. Trong đó đất nông nghiệp 7.746 ha, đất chuyên dùng 491 ha; đất hoang hóa 9 ha và đất khác 126 ha. Đến nă 2011, theo niên dám thống kê huyện Phú Tân, diện tích tự nhiện của Phú Lâm là 15,07 km2. Trong đó đất nông nghiệp 1.274 ha; đất chuyên dùng 96 ha; đất ở 89 ha và đất chưa sử dụng 45ha.

            Nằm giữa Tân Châu, Chợ Vàm, Hòa Hảo nên Phú Lâm có vị trí thuận lợi cả về giao thông thủy bộ, giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội… cơ sở hạ tầng sớm được xây dựng và thường xuyên tu  bổ.

            Trục giao thông của xã nằm trên tỉnh lộ 954 dài gần 5 cây số. Khi con lộ Tân Châu – Châu Đốc trải đá xong vào năm 1929, bây giờ có xe ngựa (loại xe thổ mộ) đưa hành khách qua lại, rồi lần lần mới có xe lôi đạp, tiếp theo là xe hơi. Là hương lộ, ban đầu đắp đất sau được trải đá nhưng rất chật hẹp, lồi lõm, khó khăn cho việc lại với cảnh nắng bụi, mưa bùn… Qua nhiều lần được tư sửa, trải đá và láng nhựa từ trước và mở rộng, nâng cấp sau giải phóng đối với tuyến lộ 954. Từ đó sự giao thông, vận chuyển trên địa bàn, giữa các xã cũng như suốt tuyến được thuận lợi, nhộn nhịp hơn.

            Theo đà phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu của nhân dân, dần dần có nhiều trục đường chính, phụ, lộ sau, hẻm được chỉnh trang. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội đồng; các công trình tiểu thủy nông…được đầu tư và đi vào phục vụ sản xuất, đời sống người dân rất thiết thực, góp phần tạo bộ mặt nông thôn mới.

            Ngoài đường bộ, Phú Lâm cũng sớm có bến tàu khách Tân Phú đi các nơi trong và ngoài tỉnh. Cùng các bến đò đưa khách sang sông qua xã Phú Thuận của huyện Hồng Ngự

            Lượng đất phù sa đã bồi đắp cho cây lúa, hoa màu và cây ăn trái nên đạt năng suất cao; cùng diện tích vườn tập đáng kể… nước sông tiền mát ngọt quanh năm, là nguồn nước chính để tưới tiêu và sinh hoạt, thuận lợi việc chăn nuôi thủy sản nước ngọt. Tốc độ dòng chảy không cao nên lưu thông qua lại khá dễ dàng. Thuận tiện cho việc tạo lập bến bãi, vận chuyển lương thực; được các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn tận dụng, khai thác.

            Thiên nhiên vừa ưu đãi con người nhưng cũng gây không ít trở ngại. Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 có lúc nắng hạn kéo dài, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 thì lũ lụt thất thường. Tuy mực nước lũ ở đây không quá sâu và kéo dài; nhưng một thời là nỗi ám ảnh và lo toan đối phó vất vả của chính quyền và nhân dân. Nay đã ổn định hơn nhờ các công trình dân sinh và hạ tầng vượt lũ.

            Đất đai bằng phẳng, giao thông thủy bộ thuận tiện, lại nằm ở trục chính của huyện Phú Tân, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong mối giao lưu với các địa phương khác. Mặt khác, với sự quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ các tuyến lộ liên xã, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện cho người dân… Phú lâm đang từng bước tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn.

 

UBND xã Phú Lâm - huyện Phú Tân

Copyright © 2018 phutan.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/phulam.All Rights Reserved