Phú Tân nhiều chị em hội viên phụ nữ khá lên nhờ nguồn vốn “hỗ trợ sinh kế”

               Phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ, trong việc chăm lo cho các chị em hội viên yếu thế, có thêm điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Phú Tân, đã phát động và triển khai thực hiện nhiều phong trào mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, phải kể đến mô hình “Hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ”, qua đó, đã giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. 

              Xuất phát từ trực trạng, nhiều hội viên hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vốn nhỏ để mua bán, sản xuất phù hợp với kinh nghiệm, kiến thức và hoàn cảnh gia đình, nhưng không có đất, phương tiện sản xuất hoặc không có điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội LHPN huyện đã đề xuất và tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ, có chính sách hỗ trợ vốn cho hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo làm ăn phát triển kinh tế, với số tiền 10 triệu đồng/hội viên từ “Quỹ Vì người nghèo” của huyện. Bước đầu, đã giúp nhiều chị em có nguồn vốn làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình, nuôi con ăn học…Bà Nguyễn Thanh Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Tân cho biết: Từ khi triển khai mô hình đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Tân đã xét và hỗ trợ 13 trường hợp, với số tiền 130 triệu đồng. Có thể nói, mô hình này đã mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, phát huy truyền thống“Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Kịp thời hỗ trợ cho chị em hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn để làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống thoát nghèo bền vững. Thông qua mô hình, cũng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương, cũng như thực hiện tốt phương châm “ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động hội” của tổ chức Hội liên hiệp phụ nữ…”.

 

 

Phú Tân nhiều chị em hội viên phụ nữ khá lên nhờ nguồn vốn “hỗ trợ sinh kế”

(Vợ chồng chị Hồ Thị Lài, xã Long Hòa đang chăm sóc mai)

               Vợ chồng chị Hồ Thị Lài, xã Long Hòa là hộ thuộc diện khó khăn, gia đình có 04 nhân khẩu. Hai vợ chồng sinh sống bằng nghề làm thuê và chăm sóc mai kiểng mướn. Đứa con lớn hiện đang học ngành công nghệ sữa ôtô tại thành phố Hồ Chí Minh, còn người con Út đang học ngành Sư phạm tại trường Đại học Đồng Tháp. Qua khảo sát, cũng như nhu cầu cần vốn để mua bán mai kiểng, nên tháng 9 năm 2023, Hội LHPN huyện hỗ trợ gia đình chị 10 triều đồng. Từ nguồn vốn này, vợ chồng chị mở rộng thêm diện tích trồng mai và mua bán mai kiểng. Từ đó, kinh tế gia đình tương đối ổn định, nuôi con ăn học…Anh Lê Hoài Anh (chồng chị Lài), xã Long Hòa, huyện Phú Tân cho biết: “Trước kia là có nền tảng chăm sóc Mai kiểng mướn cho người ta và mua bán Mai, rồi 02 vợ chồng cũng đi làm thuê, làm mướn thêm để kiếm sống, chỉ đủ ăn hàng ngày, thiếu vốn để mở rộng, nhờ có Hội liên hiệp phụ nữ huyện hỗ trợ gia đình tôi 10 triệu đồng nên mới có vốn mở rộng diện tích trồng, chăm sóc và mua bán mai, từ đó có điều kiện nuôi 02 đứa con ăn học…”.

 

Phú Tân nhiều chị em hội viên phụ nữ khá lên nhờ nguồn vốn “hỗ trợ sinh kế”

(Bà Nguyễn Thị Chính, xã Hiệp Xương tiếp nhận nguồn vốn)

 

             Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Chính, gần 70 tuổi, ở ấp Hiệp Trung, xã Hiệp Xương. Là hội viên phụ nữ nghèo, 02 vợ chồng bà đều lớn tuổi, không có đất sản xuất, sinh sống bằng nghề bó chổi, 03 người con của bà thì đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Qua khảo sát nhu cầu, nguyện vọng thực tế, Hội LHPN huyện giúp bà Chính 10 triệu đồng để có thêm điều kiện làm nghề bó chổi, để có thêm thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống…Bà Nguyễn Thị Chính, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân cho biết: Tôi mong nguồn vốn nho nhỏ, để có thêm điều kiện mua vật tư về bó chuổi bông sậy kiếm sống qua ngày, nay được Hội LHPN huyện hỗ trợ tôi cám ơn, và tôi cũng xin thoát nghèo, để nhường lại cho các hộ khác còn khó khăn hơn mình nữa…”.  

              Bà Nguyễn Thanh Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Tân cho biết: “Trong thời gian tới, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Phú Tân sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên khảo sát, rà soát, hướng dẫn hội viên lập phương án sử dụng vốn cho đúng mục đích; tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho các chị có nguồn vốn mở rộng sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo; thường xuyên kiểm tra, giám sát những hộ mà được hỗ trợ coi sử dụng nguồn vốn, cũng như việc thực hiện mô hình làm sao cho đảm bảo theo yêu cầu, mục đích cũng như nội dung của Mô hình đặt ra; tiến hành sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm…”.   

              Có thể nói, mô hình “Hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ” mang ý nghĩa nhân văn, không chỉ giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, mà còn thể hiện vai trò đồng hành của tổ chức Hội đối với hội viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên các chị em nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội” và phong trào “Dân vận khéo” tại địa phương...

Tác giả
Cao Thắng