NGƯỜI NỮ BÁC SĨ LUÔN TẬN TÂM VỚI NGHỀ
Tốt nghiệp Y sĩ năm 1983 tại trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, về công tác tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Phú Tân - bệnh viện do Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Do có nhiều cống hiến cho ngành nên 3 năm sau lại được cử đi học liên thông Bác sĩ hệ Y học cổ truyền (YHCT), đến năm 1989 thì tốt nghiệp và trở về công tác. Mặc dù đảm nhận nhiều công việc, nhưng Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã tận tâm gắn bó với bệnh viện cho đến ngày về hưu (năm 2015).
Trong công việc, chị luôn tận tâm, trách nhiệm với từng ca bệnh, giữ gìn y đức, đoàn kết với đồng nghiệp, nỗ lực trong hoạt động nghiệp vụ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại nơi công tác. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, năm nay 61 tuổi, thường trú tại ấp Phú Hòa, thị trấn Phú Mỹ là một trong những tấm gương tiêu biểu đó.
Nhớ lại quãng thời gian khi mới ra trường, sự bở ngỡ ban đầu của một cô gái vừa chập chững bước vào nghề là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với sự chịu khó, ham học hỏi và được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp cô nhanh chóng tiếp cận công việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao rất hiệu quả.
Là một Lương Y trẻ, tâm huyết với nghề, cô muốn thỏa sức trẻ, lòng ham muốn và sự năng động, tự tin của mình. Ngoài nhiệm vụ được phân công trong công tác chuyên môn tại bệnh viện đa khoa huyện Phú Tân, cô còn đồng cảm với những mãnh đời còn nhiều bất hạnh; đặc biệt là những người già neo đơn. Cô đã góp sức cùng đồng nghiệp tham gia các đợt khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho các cụ cao tuổi, người già neo đơn, các hộ nghèo, hộ khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện như Phú Thành, Phú Long, Hòa lạc, Hiệp Xương,….
Bác sĩ Bạch Tuyết đã có nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên như: điều trị tai biến mạch máu não bằng tia laser tần suất thấp; điều trị đau thần kinh tọa bằng tia laser; điều trị viêm xoang bằng tia laser;… bởi đây mới thật sự là chuyên môn của cô. Vì vậy, đến năm 2008 Bạch Tuyết được phân công sang quản lý Hội Đông Y huyện Phú Tân.
Với cô “giúp được cho họ - những người nghèo, người già, người cô đơn - có được sức khỏe, có được nguồn năng lượng để họ có thể tiếp tục cuộc sống thì công sức của cô và các đồng nghiệp bỏ ra có đáng là gì”. Chẳng cầu người ta báo đáp hay cảm ơn, cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu người, chỉ biết rằng mỗi một lần đến với họ, Bạch Tuyết được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt, lộ rõ trên khuôn mặt họ. Với cô, đó chính là liều thuốc bổ quý giá nhất giúp cô sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc suốt nhiều năm nay – Bs Bạch Tuyết tâm sự.
Kỷ niệm mà cô nhớ nhất là vào mùa lũ lịch sử những năm 2000, Đoàn khám bệnh của bệnh viện di chuyển bằng tắc ráng đến xã Hiệp Xương, vùng ngập sâu của huyện, người dân đi lại bằng xuồng ghe, nên giường khám bệnh được kê lên cao, còn Y-Bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh thì phải đứng dưới nước để khám cho bệnh nhân. Hết buổi khám bệnh bà con còn thết đãi cho tất cả thành viên trong Đoàn một bữa cơm “thịnh soạn” gồm cá chạch chiên dòn ăn với canh chua bông súng, cá linh,…
Cũng đã có những thời điểm khó khăn, nhưng mỗi lần “đuối tinh thần”, tôi đều tự nhắc nhở bản thân còn có rất nhiều đồng nghiệp vất vả, gian khổ hơn mình, nhưng họ vẫn đang hằng ngày gắn bó với nghề. Vì vậy, không có lý do gì khiến mình dừng lại công việc cao cả là mang đến niềm vui, cơ hội sống, sức khỏe cho mọi người! – Bs Bạch Tuyết tâm sự.
Cán bộ Dân số-KHHGĐ thị trấn Phú Mỹ - Trần Thị Cẩm Loan, người đồng hành cùng Bs Bạch Tuyết trong công tác thiện nguyện thời gian qua nói rằng: “Tôi rất cảm phục lòng nhiệt tình, chịu khó của Bs Bạch Tuyết. Mặc dù tuổi cao, nhưng Bs Bạch Tuyết không bao giờ cảm thấy mệt mõi, hễ nơi nào khó thì có mặt cô ngay. Tôi hy vọng những bác sĩ khác cũng có những việc làm như cô”.
Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, bác sĩ Bạch Tuyết không chỉ là một bác sĩ tận tâm, Bạch Tuyết còn là tấm gương sáng về phẩm chất của một đảng viên hết lòng vì Đảng, vì tập thể. Với tâm huyết luôn nung nấu trong lòng là làm sao mang kiến thức chuyên môn ra phục vụ cộng đồng nên Bs Bạch Tuyết luôn biết kết hợp giữa Đông và Tây Y trong điều trị bệnh.
Chia sẻ về động lực để gắn bó lâu dài với công việc của người thầy thuốc, bác sĩ Bạch Tuyết tâm sự: “Ngày nào tôi còn sức thì cố gắng làm, việc gì có lợi cho người dân, cho xã hội thì hết sức làm, không ngại gian khổ, khó khăn. Xã hội đã cho tôi có cái nghề thì việc mang cái nghề đó ra giúp ích lại cho xã hội là việc làm tất nhiên. Làm như vậy thì lương tâm mình mới thanh thản”.
Với những nỗ lực đóng góp cho nền y học cổ truyền nói riêng và nền y học nước nhà nói chung, nhiều năm liền khi còn đang công tác tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết được bình bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp huyện, nhận được nhiều bằng khen từ Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Trung ương hội Đông y Việt Nam. Đặc biệt, bác sĩ Bạch Tuyết còn vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương của Trung ương hội Đông y Việt Nam năm 2019.
Với bạn, người thầy thuốc tận tụy được định nghĩa như thế nào? Còn với tôi (người viết bài này), đôi khi điều này chỉ đơn giản thể hiện ở việc bác sĩ luôn sẵn sàng đưa bàn tay của mình ra đối với tất cả mọi người, dù đó là ngày hay đêm, tại phòng khám hay ở một nơi xa xôi vắng vẻ.
Với bề dày nghiên cứu kết hợp với thực tiễn điều trị bệnh và những hoạt động không biết mệt mỏi của bác sĩ Bạch Tuyết, đó là những nỗ lực cống hiến của người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”. Chị thật xứng đáng là tấm gương y đức cho nhiều thế hệ y - bác sĩ noi theo.