Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân

Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang  *  Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang

DẠY CHỮ GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG LAO ĐỘNG VÀ SẢN XUẤT

“Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, là một trong những mục tiêu luôn được các trường đặc biệt quan tâm, nhằm tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức từ những bài học trên lớp áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, phát triển toàn diện nhân cách học sinh, góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của giáo viên. Mô hình “Giáo dục nhà trường gắn với hoạt động lao động và sản xuất” ở Trường tiểu học B Phú Mỹ, huyện Phú Tân là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực đó.

Đây là một trong số những mô hình hiệu quả được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lựa chọn thực hiện theo kế hoạch của Sở Giáo dục về xây dựng mô hình Trường tiểu học đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Bước đầu, mô hình đã thu hút sự quan tâm, hứng thú của đông đảo học sinh và giáo viên tham gia.

Năm học 2022-2023, Trường tiểu học B Phú Mỹ có 1.185 học sinh ở 2 điểm chính và phụ. Xuất phát từ điều kiện diện tích đất và nhu cầu thực tế của học sinh nhà trường, từ tháng 8/2022, Trường tiểu học B Phú Mỹ đã tận dụng diện tích đất trống trong khuôn viên ở điểm phụ của trường, xây dựng mô hình “Giáo dục nhà trường gắn với hoạt động lao động và sản xuất”, để giáo viên ứng dụng vào hoạt động dạy học trải nghiệm thực tế cho học sinh.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 30 m2, với đa dạng các loại rau xanh như: rau muống, rau dền, cải ngọt, bắp cải,v.v….Các loại rau được gieo trồng trên từng luống, phát triển tươi tốt. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 10 triệu đồng, từ nguồn vận động xã hội hóa phụ huynh học sinh hỗ trợ về mái che, hàng rào, xây dựng luống rau, hoa, v.v…

Cô Trần Phúc Nhiên, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học B Phú Mỹ cho biết thêm: "Để thực mô hình, nhà trường đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện mô hình đến toàn thể giáo viên, nhân viên trường. Phân công nhiệm vụ từng tổ chuyên môn, thành viên tham gia, hướng dẫn học sinh thực hiện. Bên cạnh, vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ kinh phí làm mái che, làm hàng rào xung quanh, tạo thành luống theo từng khối lớp. Vận động học sinh đem cây giống sẵn có từ nhà vào trồng. Nhà trường cùng giáo viên cũng hỗ trợ thêm đất, phân bón và cây giống."

Vào các giờ học trải nghiệm thực tế, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia chăm sóc từng luống rau của lớp, như: nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước,v.v…giúp cây phát triển tốt hơn. Qua đó, giúp các em quan sát, phân biệt được các loại rau, biết chăm sóc và thu hoạch cây trồng. Đồng thời, nhận thức được lợi ích của việc trồng rau sạch đối với môi trường sống xung quanh. Các em học sinh của trường đã coi việc chăm sóc rau là một trong những trải nghiệm đầy hứng thú, bổ ích và xem mỗi ngày đến trường như một ngày vui.

Em Lê Huy Chương, học sinh lớp 3D, trường Tiểu học B Phú Mỹ chia sẻ: "Thông qua những giờ học trải nghiệm thực tế, các em được thầy, cô hướng dẫn lý thiết kết hợp thực hành hoạt động lao động sản xuất, như: gieo trồng, chăm sóc, tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ. Em và các bạn rất thích khi tham gia hoạt động này, bởi vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp vừa giúp em biết cách chăm sóc rau sạch."

Em Châu Ngọc Kim Ngân, học sinh lớp 5G, trường Tiểu học B Phú Mỹ chia sẻ: "Trước đây, em chỉ được học môn kỹ thuật từ lý thuyết khô khang trên lớp qua các tranh ảnh từ sách giáo khoa, nhưng từ khi có mô hình "Giáo dục nhà trường gắn với hoạt động lao động và sản xuất" ở trường, em và các bạn được học lý thuyết gắn với thực hành rất thú vị. Chúng em được tham gia chăm sóc cây rau, nhận biết các loại rau, cỏ. Từ đó, về nhà em giúp mẹ trồng và thu hoạch rau."

            Thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên trường Tiểu học B Phú Mỹ cho biết: "Từ mô hình này, tôi đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng vào giảng dạy các tiết trải nghiệm hay giờ ra chơi dành khoảng 5-10 phút hướng dẫn các em làm cỏ, bắt sâu, tưới nước để cây phát triển tươi tốt hơn. Qua học lý thuyết gắn trải nghiệm thực tế giúp các em phát huy tính sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới về xây dựng vườn trường phục vụ học tập của mình, các em hiểu được lợi ích của từng loại rau đối với sức khỏe con người, mang lại giá trị kinh tế gia đình, đồng thời biết quý trọng người lao động và sản phẩm làm ra."

Từ việc truyền đạt kiến thức trong các bài giảng của thầy cô, gắn với các buổi trãi nghiệm thực tế từ mô hình “Giáo dục nhà trường gắn với hoạt động lao động và sản xuất”, các em học sinh học đã trải nghiệm được những công việc hàng ngày của người nông dân, học kiến thức thú vị về việc gieo trồng, chăm sóc cây rau, hoa. Sau khoảng 6 tháng trồng và chăm sóc, những thành quả đầu tiên đã hiện hữu.

Cô Trần Phúc Nhiên, Phó hiệu Trưởng Trường tiểu học B Phú Mỹ cho biết thêm: "Thực hiện mô hình này đã giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018; dạy học lý thuyết gắn với thực hành. giáo viên cố gắng vận dụng vào thực tiễn dạy ít lý thuyết, chủ yếu hướng dẫn các em thực hành. Đối với học sinh, từ khi nhà trường thực hiện mô hình đã thu hút học sinh các khối lớp tích cực tham gia học tập, tham gia lao động sản xuất. Đồng thời, còn giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể; về nhà các em là tuyên truyền viên vận động gia đình về trách nhiệm bảo vệ môi trường."

            Để triển khai thực hiện hiệu quả đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên và học sinh. Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân đã định hướng và lựa chọn các trường tiểu học có điều kiện thực hiện một số mô hình, nhằm xây dựng mô hình Trường tiểu học đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong đó, mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất” là một trong số mô hình hiệu quả được thực hiện điển hình tại Trường tiểu học B Phú Mỹ và Tiểu học Hiệp Xương.

            Bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực trong dạy chữ gắn với hoạt động lao động và sản xuất của trường. Vừa tạo không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, học lý thuyết gắn với thực tiễn lao động, sản xuất vừa giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, bổ sung thêm về kiến thức thực tế, môi trường sống xung quanh của các em. Đồng thời, giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục./.

Lịch công tác
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 27/04/2020 - 03/05/2020 - (28/04/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 10/02/2020 - 16/02/2020 - (12/02/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 12/11/2012 - 18/11/2012 - (03/06/2019)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 19/11/2012 - 25/11/2012 - (03/06/2019)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 26/11/2012 - 02/12/2012 - (03/06/2019)
  • Lịch công tác của UBND huyện từ ngày 03/12/2012 - 09/12/2012 - (03/06/2019)
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH