Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân

Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang  *  Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang

PHÚ TÂN KHỞI SẮC SAU 10 NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Những ai đã từng đến Phú Tân 10 năm trở về trước, hôm nay khi trở lại chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay ở mảnh đất và con người nơi đây. Từ đường làng, ngõ xóm đến trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang, hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đó là những đổi thay rõ nét nhất sau 10 năm huyện Phú Tân triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Xác định XDNTM không riêng của cấp, ngành nào, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Phú Tân đã thống nhất về nhận thức, vào cuộc với quyết tâm cao, thường xuyên sâu sát cơ sở. Cùng với đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân, như: thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế hợp tác; phát triển sản xuất theo quy mô lớn; sản xuất hàng hóa chất lượng cao, theo chuỗi giá trị; đồng thời, bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị truyền thống về văn hóa…

Trên chặng đường 10 năm XDNTM của huyện Phú Tân, đồng chí Dương Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết: Là một huyện thuần nông và là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, Phú Tân không có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển, điều kiện cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội từ huyện đến cơ sở còn yếu kém, cơ cấu sản xuất manh mún, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện ở thời điểm 2010 ở mức cao 7,81 %; thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 16 triệu đồng/năm… Đây thực sự là những trở ngại lớn trong XDNTM ở Phú Tân.

Xác định giao thông là mạch máu cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, sau 10 năm XDNTM, huyện đã cải tạo, nâng cấp 347km đường liên xã, liên ấp, dân sinh, nội bộ và đường trục chính nội đồng, hầu hết đều đạt chuẩn. Xây dựng 43 cây cầu kiên cố và nhiều cầu trên các tuyến kênh nội đồng đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Đồng thời, huyện triển khai và thực hiện nạo vét 96 tuyến kênh mương; kiên cố (gia cố, nâng cấp) 47 tuyến đê bao kiểm soát lũ (nâng tổng số Km đê bao được kiên cố hóa trên toàn huyện trên 70%) và nâng cấp 29 cống tròn dưới đê; thực hiện dự án thủy lợi phục vụ chuyển đổi cây ăn trái ở 02 vùng: ấp Phú Hiệp – Chợ Vàm và Bình Tây 2 – Bình Thạnh Đông. Đặc biệt thông qua các dự án đầu tư của tỉnh với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng (Dự án BVN 2; Dự án Pilot; Dự án 13 cầu liên kết vùng….) đã góp phần kiên cố hệ thống đê bao cũng như phát triển hệ thống giao thông của toàn huyện. Hiện toàn huyện có 296 trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ bơm tiêu là 100% diện tích sản xuất, phục vụ tưới khoảng 96,91% so tổng diện tích sản xuất. Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tính đến hiện tại tỷ lệ hộ nghèo còn 2,68% giảm so năm 2011 là 4,13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,939 triệu đồng/người/năm, tăng 24,732 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

Ảnh: Đường liên xã vùng sâu của huyện ngày nay

Nếu như 10 năm về trước, đa số các trường học trên địa bàn huyện trong tình trạng “ọp ẹp” thì đến nay các trường lớp đều được kiên cố hóa, không còn lớp học tạm, đảm bảo chất lượng dạy và học; trong đó có 18/74 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 24,32% (tăng 15,75% so năm 2011). Bên cạnh đó, hệ thống điện được ngành điện quan tâm đầu tư lồng ghép với nhiều Chương trình, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện nông thôn, cơ bản phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân,… đồng chí Dương Văn Cường cho biết thêm.

Để có được bức tranh nông thôn tươi sáng như hôm nay là cả một sự đoàn kết của toàn dân huyện Phú Tân. Đến nay, toàn huyện có 4/18 xã đạt chuẩn NTM với tổng nguồn vốn huy động 2.740 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 151 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, ngày công, vật liệu xây dựng và hiến trên 04 ha đất để thực hiện các dự án.

Thực tiễn cho thấy, từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, đa số nông dân trên địa bàn huyện đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Thể hiện qua việc chủ động thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần to lớn thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Điển hình có ông Thái Văn Đỉnh xã Tân Hòa, ông Nguyễn Thành Phơn xã Phú Lâm, ông Nguyễn Trung Kết xã Hiệp Xương, ông Lê Công Hầu xã Bình Thạnh Đông… và một số mô hình xây dựng cầu nông thôn, xây dựng, sửa chữa đường giao thông, cất nhà cho người nghèo…

Với những thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo động lực và niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân phấn đấu trong thời gian tới: huyện sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên. Đặc biệt phải xác định rõ xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn dân của nhân dân, chính nhân dân tự giác tham gia thì nông thôn mới mới bền vững.

Do đó, trong những năm tiếp theo, để làm được điều đó “phải kiện toàn lại Ban chỉ đạo (BCĐ). Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều khâu. Tuyên truyền qua các tổ chức chính trị xã hội như nông dân, phụ nữ, CCB, thanh niên… mỗi đoàn thể chính trị phải gánh vác một nhiệm vụ và đặc biệt là tuyên truyền đến nhân dân. Lấy hạt nhân chính trị lãnh đạo là Chi bộ và đồng chí bí thư cấp xã vẫn là trưởng BCĐ để lãnh đạo, chỉ đạo “khâu nối” cả hệ thống chính trị thành một khối. Tạo nên sự đồng thuận cao trong Đảng, trong Chính quyền và toàn thể nhân dân tạo nên sự đoàn kết thống nhất và đồng thuận cao. Nếu có sự đoàn kết và đồng thuận cao, tôi tin tưởng rằng trong công tác xây dựng NTM sẽ có nhiều tiến bộ…”, đồng chí Dương Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân khẳng định.

Thật vậy, theo định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới sau năm 2020, huyện Phú Tân phấn đấu sẽ tiếp tục huy động 3.913 tỷ đồng để đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn NTM. Giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030 phấn đấu nâng lên 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. 

Thành quả nông thôn mới tại huyện Phú Tân nói riêng và cả nước nói chung là minh chứng rõ nét nhất khẳng định một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, gắn với lợi ích thiết thân của đại bộ phận nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn.

Lịch công tác
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 27/04/2020 - 03/05/2020 - (28/04/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 10/02/2020 - 16/02/2020 - (12/02/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 12/11/2012 - 18/11/2012 - (03/06/2019)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 19/11/2012 - 25/11/2012 - (03/06/2019)
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH