Giai đoạn 2025 – 2030, Phú Tân dự kiến xã hội hóa đầu tư xây dựng 26 cây cầu giao thông nông thôn

Phú Tân là huyện cù lao, hệ thống giao thông, sông ngòi chằng chịt, diện tích tự nhiên trên 312,6 km2, dân số hiện có 188.532 người. Có tuyến quốc lộ 80B chạy qua; đường thủy tiếp giáp với 04 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Vừng và sông Vàm Nao) tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 2021 – 2024, Phú Tân đã xã hội hóa đầu tư xây dựng được 11 cây cầu bê tông, với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng

Hiện mạng lưới giao thông đường bộ huyện Phú Tân bao gồm đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường giao thông nông thôn (GTNT), có tổng chiều dài 348,099 Km; có 109 cầu/4.523,75 mét. Đường thủy, Phú Tân tiếp giáp với 04 sông lớn do Trung ương quản lý gồm: sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Vừng, sông Vàm Nao. Có 19 tuyến kênh trục chính liên xã dài 105,8 km do Ủy ban nhân dân huyện quản lý.

Theo UBND huyện Phú Tân, giai đoạn 2021 – 2024, đã xã hội hóa đầu tư xây dựng được 11 cây cầu bê tông, với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hoá trên 19,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đầu tư nâng cấp láng nhựa, bê tông 42 công trình (láng nhựa 14 công trình, bê tông cốt thép 7 công trình, bê tông xi măng 21 công trình), chiều dài 70 km, tổng mức đầu tư 155.244 triệu đồng.

Theo Kế hoạch xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Phú Tân giai đoạn năm 2025 – 2030, mục tiêu của Phú Tân là với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư thay thế một số cầu GTNT hiện đang bị xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn giao thông, hoặc không đáp ứng được nhu cầu lưu thông cho các loại phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT đồng bộ, bền vững, thống nhất quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật, hạ tầng giao thông thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư gia tăng sản xuất, kinh doanh vào khu vực nông thôn, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phạm vi thực hiện chủ yếu trên các tuyến đường đến Trung tâm xã, đường liên huyện liên xã, liên ấp và các tuyến đường ra cánh đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các cầu GTNT xã hội hóa đầu tư phải kiên cố, đạt chất lượng và tuổi thọ theo tiêu chuẩn thiết kế cầu GTNT quy định. 

Dự kiến đầu tư xây dựng cầu mới giai đoạn 2025 – 2030 tổng số 26 cây, gồm: Đường Kênh Thần Nông 4 cây và cầu trên tuyến đường liên huyện, xã 22 cây. Nguồn vốn vận động xã hội hóa kinh phí xây dựng cầu. Ngân sách huyện hỗ trợ chi phí tư vấn khảo sát thiết kế, lập hồ sơ đầu tư xây dựng cầu.

Quy mô xây dựng của các công trình được chọn để thực hiện, phải phù hợp với Quy hoạch; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới; tải trọng tối thiểu 8 tấn; mặt cầu phần xe lưu thông không nhỏ hơn 3,5m. Về kết cấu cầu thực hiện sẽ được ưu tiên kết cấu bằng bê tông cốt thép.

Theo Kế hoạch này, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương cùng tham gia đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng cầu GTNT phục vụ giao thông thông suốt cho người dân. Tổ chức, quản lý và thực hiện việc đầu tư xây dựng cầu GTNT; vận động sự đóng góp của người dân cùng tham gia xây dựng. Có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình sau khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn.

Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội từ cấp huyện đến cấp xã tiếp tục tuyên truyền, vận động trong các thành viên, đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia đóng góp về vật chất, tinh thần và ngày công để tham gia xây dựng cầu nông thôn.

Tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng tích cực thực hiện Kế hoạch với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động các nguồn đóng góp của nhân dân và giám sát tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch. Tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình. Phối hợp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và chất lượng công trình. Đề xuất các biện pháp, cơ chế chính sách thực hiện, để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch.

 Việc thực hiện xã hội hóa xây dựng cầu GTNT, nổi bật nhất trong quá trình là tinh thần chia sẻ cộng đồng. Người dân có điều kiện, sẵn sàng góp công, góp của để cùng Nhà nước xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc. Đặc biệt, khi triển khai hoàn thành đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn đối với người dân khu vực nông thôn, tạo được ý thức tự xây dựng và bảo vệ các công trình cầu, đường GTNT.

Cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào sâu rộng trong Nhân dân. Công tác quản lý xây dựng của cơ quan nhà nước được quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân trong quá trình xây dựng cầu, cầu xây dựng có hồ sơ thiết kế, xác định tải trọng, độ thông thuyền, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác./.     

Tác giả
Hải Nhu