Từ khi triển khai thực hiện đến nay. Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm nông sản địa phương, tạo sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp.
Từ loại trái cây dân dã ở vùng nông thôn. Trái cà na tại xã Hiệp Xương, đã được anh Nguyễn Phước Trung và gia đình nâng tầm giá trị để bán rộng rãi trên thị trường. Đa dạng cách chế biến, sản phẩm từ cà na của gia đình anh Trung được đưa vào nhóm sản phẩm tiềm năng OCOP.
Trước đây, cây cà na mọc nhiều theo dọc bờ kênh, rạch. Chúng được xếp vào loại cây hoang dại, ít ai trồng, vì giá trị kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho trái 1 đợt, từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch). Vào mùa nước nổi, người dân thu hoạch cà na chủ yếu dùng để “ăn chơi” chứ ít ai bán. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi chưa có nhiều cơ sở chế biến cà na, nếu có cũng chỉ dừng lại ở buôn bán lẻ tại địa phương, chưa phát triển thành quy mô cơ sở... Từ đó, anh Trung và gia đình đã quyết định bắt tay vào việc phát triển các loại sản phẩm từ trái cà na, gồm: cà na trộn chua ngọt, cà na ngào đường, rượu cà na, và đặc biệt có sản phẩm cà na xí muội Nguyễn Trung đã được công nhận OCOP 3 sao. Anh Nguyễn Phước Trung, ngụ ấp Hiệp Hưng, xã Hiệp Xương cho biết: “Tôi làm những sản phẩm cà na này khoảng 6 - 7 năm nay, gồm có cà na ngào đường, cà na chua ngọt với cà na xí muội thì mới được công nhận OCOP, trong đó, địa phương đã hỗ trợ cho tôi về hồ sơ công nhận OCOP, bên Chương trình khuyến công cũng hỗ trợ tôi 50% giá trị mua máy ép hút chân không…”
Cà na xí muội Nguyễn Trung khi chế biến, phải lựa những trái tròn đều, thịt dày đem rửa sạch, khứa dọc nhiều đường trên thân trái rồi ép sạch nước chua chát, đem sên với đường, muối. Khác với cà na ngào đường, cà na xí muội có vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, nhai dẻo cho cảm giác ngon lạ. Thời gian đầu làm sản phẩm cà na xí muội, gia đình anh Trung chủ yếu làm thủ công, chỉ công đoạn ép cà na là dùng máy hỗ trợ. Quy trình làm cà na xí muội do anh Trung học hỏi và nghiên cứu theo “bí quyết” riêng, phơi nắng tự nhiên từ 2 - 3 nắng tốt để cho ra thành phẩm. Cà na xí muội Nguyễn Trung giữ nguyên vẹn mùi vị của trái cà na, kèm theo vị mặn, ngọt vừa phải, không chất bảo quản, là món “ăn chơi” đang được thị trường đón nhận.
Để chào hàng, anh Trung giới thiệu đến bạn bè, người thân, lắng nghe phản hồi để tiếp tục cải tiến về gia vị, đóng gói và dần dần xây dựng thương hiệu cà na xí muội Nguyễn Trung. Với sự tương tác tích cực đã giúp cơ sở sản xuất tiếp cận ngày càng nhiều khách hàng, quyết định thu mua thêm cà na trong vùng, đầu tư máy móc để tăng quy mô sản xuất.
Đến nay, các sản phẩm chế biến từ cà na trở thành mặt hàng được ưa chuộng, có lúc cung không đủ cầu, góp phần nâng cao giá trị cây cà na và cây cà na sẽ là “cây kinh tế” của nhiều hộ trong quá trình chuyển đổi cây trồng, giúp tăng thêm thu nhập. Sản phẩm của cơ sở cà na Nguyễn Trung có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước. Trong đó, phần lớn được làm theo đơn đặt hàng trước của khách, để đảm bảo hương vị tươi ngon.
Đây là động lực to lớn, chứng minh sự nỗ lực của anh Nguyễn Trung trong quá trình khởi nghiệp. Có được kết quả này, anh Trung cũng đã gặp không ít khó khăn. Anh Trung chia sẻ: “Khó khăn ban đầu là mình phải tự tìm tòi học hỏi, rồi mình thử nghiệm qua nhiều bước mới có được sản phẩm, phải thất bại nhiều lần mình mới rút ra được kinh nghiệm, để có sản phẩm tương đối ổn hơn. Cái thứ hai nữa, do là mô hình thu nhỏ nên nguồn tiêu thụ cũng hạn chế nên cũng hơi khó trong việc tìm đầu ra. Vốn thì nói chung thì cũng tương đối ổn định, nhưng mà có một thời điểm có khó khăn là trong những lúc bị đứt đợt cà na, tìm cà na rất là khó. Tức là lúc thời điểm giao mùa giữa đứt đợt trái đến đợt trái tiếp theo mới có, thì tầm khoảng 2 đến 3 tháng, lúc đó là mình phải mua trước để dự trữ, mà trữ lâu quá thì sản phẩm chất lượng hơi bị giảm…”
Quá trình triển khai thực hiện các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP cho thấy, phải hội tụ đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt, nên nhiều người dân, chủ cơ sở còn e ngại. Tuy nhiên, theo các cơ sở đã xây dựng sản phẩm, thì OCOP mang lại lợi ích kép bởi sản phẩm được nâng cao giá trị và việc đến với các thị trường tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. OCOP 3 sao giống như “giấy thông hành” giúp sản phẩm Cà na xí muội Nguyễn Trung tiếp cận được nhiều khách hàng. Anh Trung chia sẻ thêm: “Nói về phần hỗ trợ sản phẩm, thì tôi cũng có kiến nghị với các ngành chức năng, hỗ trợ tôi về đầu ra, như đi quảng bá ở các hội chợ hay là Trung tâm Xúc tiến Thương mại của tỉnh hay các chương trình giới thiệu nông sản của tỉnh tổ chức, để tôi có thể đăng ký tham gia quảng bá sản phẩm của mình. Cái thứ 2 là về phần hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP thì cũng kiến nghị là nên đơn giản thủ tục lại, để khi ví dụ, không phải chỉ riêng sản phẩm Cà na, có một số sản phẩm người ta cũng có mong muốn để được vào OCOP, tuy nhiên thì quy trình đánh giá, như cái hồ sơ rất là nhiều, mà những nông dân thì chỉ biết tạo ra sản phẩm, do đó đề nghị nghiên cứu hỗ trợ làm sao để nông dân đưa sản phẩm mình lên OCOP được…”
Viết tiếp hành trình này, anh Trung dự định sẽ đầu tư thêm máy sấy để không lệ thuộc vào thời tiết. Ngoài phiên bản chua ngọt hiện tại, anh đang thử nghiệm thêm cà na xí muội vị chua cay, thêm sự lựa chọn cho khách hàng khi thưởng thức món ăn chơi này.
Sản phẩm OCOP Cà na xí muội Nguyễn Trung, không chỉ giúp phục hồi lại cây cà na vốn sắp mai một trong thời buổi kinh tế thị trường, mà còn vừa khơi gợi lại ký ức tuổi thơ, vừa là quà tặng ý nghĩa đối với khách hàng khu vực nông thôn lẫn thành thị. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nâng cao giá trị kinh tế cho trái Cà Na và giá trị lợi thế vùng ngập lũ. Đây sẽ là quà tặng thú vị, mang đầy ý nghĩa cho bạn bè gần xa mỗi khi có dịp ghé thăm vùng quê xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân./.