AGO - Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Qua đó, đã xây dựng được hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hiệu quả.
Với mong muốn sản phẩm có đầu ra ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ thành lập mới 39 hợp tác xã (HTX), trong đó công ty tham gia góp vốn, hỗ trợ nhân sự điều hành và kỹ thuật; hỗ trợ thành lập 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp; liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp 70.000ha năm 2021; 84.908ha năm 2022; 71.319ha năm 2023; liên kết sản xuất tiêu thụ xoài Cát Lộc với diện tích 113ha... Công ty Cổ phần Lương thực A An (Công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long) liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa từ vụ thu đông 2023, diện tích từ 100ha. Đến nay, tăng lên 1.700ha/vụ. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex triển khai liên kết sản xuất qua hình thức liên kết trực tiếp với hộ nông dân (hoặc thông qua HTX) tại các huyện, với diện tích khoảng 3.000ha/vụ.
Lĩnh vực rau màu, cây ăn trái có Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Từ năm 2022 đến nay, Công ty Antesco liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp thu trái non, đậu nành rau với các hộ nông dân, tổ hợp tác (THT), HTX tại các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên, với diện tích từ 300 - 600ha/năm. “Công ty đã ký thỏa ước với Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh cam kết bao tiêu vùng trồng 10.000ha tại các huyện: Phú Tân, Chợ Mới, An Phú để trồng bắp non, đậu nành rau, xoài… ổn định theo các tiêu chuẩn GlobalGAP và đang hướng đến Organic. Đây là cơ sở để công ty mạnh dạn các bước đột phát đầu tư nâng cấp nhà máy, đầu tư công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất và tạo nên các bước đột phá trên thị trường xuất khẩu” - Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Liên kết sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao
Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài thái, xoài keo và xoài tượng da xanh ở An Giang từ năm 2022 đến nay. Diện tích liên kết năm 2022 là 200ha, năm 2023 lên 281,1ha, năm 2024 gần 200ha. Từ những mô hình liên kết giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, xây dựng uy tín, thương hiệu sản phẩm. Qua đó, đã khẳng định được việc liên kết sản xuất chính là một trong những giải pháp giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, năm 2024, diện tích liên kết tiêu thụ lúa toàn tỉnh đạt 73.623ha (lúa hàng hóa 67.623ha và lúa giống 6.000ha). Điển hình, vụ đông xuân 2023 - 2024, có 27 công ty và DN sản xuất lúa giống tham gia liên kết bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các HTX và nông dân, với diện tích 31.298/61.150ha. Đối với rau màu, tổng diện tích xuống giống năm 2024 gần 49.600ha, tổng sản lượng một số loại cây rau màu chủ lực của tỉnh đạt khoảng 493.000 tấn; DN hợp đồng liên kết và tiêu thụ với diện tích gần 5.590ha. Đối với cây ăn trái các DN triển khai ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ xoài với diện tích 1.714/1.585ha. Các công ty thu mua được 829ha xoài. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng Nguyễn Minh Hiền cho biết: “HTX có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất tiêu thụ 200ha xoài, sản lượng cung ứng khoảng 300 tấn/tháng cho thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Tỉnh cũng xây dựng các mô hình thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Các DN đã tham gia liên kết với diện tích 52ha tại 4 huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn và Phú Tân. Hiện, tỉnh tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại. Tăng cường mời gọi, xây dựng, tổ chức hình thức liên kết phù hợp từng ngành hàng, sản phẩm chủ lực, để phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao.