Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã và đang xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý thuê phương tiện cơ giới để khai thác tài nguyên đất dưới lòng kênh với nhiều hình thức như bơm hút bùn, cạp đất lòng kênh, lấy đất san lấp, lấn chiếm hàng lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, để điều và công trình phòng chống thiên tai. Theo đó ngày 17-4, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố tổ chức thực hiện và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung: Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, Luật Đê điều số 79/2006/QH11, Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thuỷ lợi; đê điều, Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật Đê điều, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, như: các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý đào lấy đất lòng kênh, đào xẻ bờ đê lấy đất; xây dựng công trình, vật kiến trúc lấn chiếm mái đê, mặt đê, hành lang bảo vệ đê; xây dựng công trình, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi, tập kết vật liệu, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông, lòng kênh vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch dẫn đến gia tăng nguy cơ sạt lở,.... , gây ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi đê điều và công trình phòng chống thiên tai.
Tổ chức quản lý, sử dụng bãi sông, lòng sông trên địa bàn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị Quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai theo quy định./.
Nguồn: Công văn số 947/SNNMT- CCTL ngày 17/4/2025