Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không đâu xa, mà đó là học tập và làm theo lòng yêu nước, thương dân với những việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, mọi người ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người người công dân có ích phục vụ cho xã hội. Thông qua tuyên truyền “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tác động đến tất cả cán bộ, Đảng viên và nhân dân, giúp cho mỗi người nhận thức đúng đắn hơn những giá trị cao đẹp của tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông đã xuất hiện không ít những tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những hành động và việc làm của họ rất đáng được trân trọng và nêu gương. Và trong số đó, Chú Ba lương Y là một người như thế. Một con người không ngừng nghỉ vượt khó, dù tuổi đã cao, nhưng giàu lòng nhân ái, nhiệt huyết, tận tụy trong công việc, không ngại khó, sống tiết kiệm, giản dị trong cuộc sống cũng như trong công việc. “Chú Ba lương Y”, đó là biệt danh thân thương mà nhiều người dân trong xã thường gọi ông Trần Văn Nguyền (ngụ ấp Bình Trung 2 xã Bình Thạnh Đông) Một tấm gương hết lòng làm từ thiện, không ngai khó khăn luôn là tấm gương sáng giúp ích cho đời. Lần đầu gặp được Chú Ba tôi rất ấn tượng với mái tóc bạc trắng, giọng nói nhẹ nhàng, hiền từ trong từng lời nói. Ở cái tuổi 70, nhưng Chú Ba khá nhanh nhẹn, mạnh khỏe, đôi mắt sáng, nụ cười hiền, đôi bàn tay, bàn chân thì chay sạn vì những tháng ngày lao động vất vả. Hơn 26 năm tham gia vào công tác y học cổ truyền tại trạm y tế xã Bình Thạnh Đông, Chú Ba không thể nhớ hết tên những người mình đã từng giúp đỡ. Hàng ngày chú trực tại phòng khám Y học cổ truyền đều đặn để bốc thuốc nam, châm cứu miễn phí cho bà con mà không đòi hỏi bất kỳ khoản thù lao nào và ngay cả việc như đặt thùng quyên tiền như các nhà thuốc đông y khác cũng không, chủ yếu vì cái tâm giúp đỡ cho bà con nghèo ở vùng quê. Ngoài những giờ rảnh rổi, chú đọc sách để nâng cao kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho bà con trong xã. Bên cạnh đó là tham gia các lớp tập huấn kiến thức y học cổ truyền ở tỉnh, huyện khá đầy đủ, nhằm mục đích là nâng cao trình độ chuyên môn, là học hỏi, tiếp thu kiến thức mới. Do đó lượng người bệnh đến bốc thuốc, châm cứu ngày một tăng, danh tiếng Chú Ba ngày ngày càng vươn xa, ngay cả bà con ở những huyện, tỉnh thành khác cũng đến phòng khám để được Chú điều trị. Những lúc nguồn thuốc nam dược thiếu thốn mà bệnh thì cần phải có thuốc để điều trị, Chú tự mình đi kiếm, từ ấp này đến ấp khác có khi chú còn qua các xã, huyện khác để sưu tầm thuốc về phục vụ cho bà con trong và ngoài xã. Để có kinh phí đi lại, chú và Hội đông y trong xã tổ chức vận động tiền mỗi người một ít để làm chi phí đi sưu tầm thuốc. Khi có thuốc về, chú vận động bà con, hàng xóm và con cháu trong gia đình mình mỗi người một dụng cụ, nào xe, nào dao, nào búa… để chuyển thuốc về sân, rồi cùng nhau chặt, thái nhỏ ra, phơi khô, cho vô bao đem vào kho cất giữ, để phục vụ cho bà con. Ngoài việc bốc thuốc, châm cứu cho bà con tại phòng khám Y học cổ truyền, Chú Ba còn tham vào các hoạt động thiện nguyện trong xã như tham gia vào đội cất nhà tình nghĩa, ai có sức thì giúp sức, ai có tiền của thì giúp bằng tiền của, hiện vật cho những mảnh đời khó khăn, neo đơn, mồ côi. Và gần đây khi nghe biết được Trạm y tế xã Bình Thạnh Đông di chuyển qua tổ 5 ấp Bình Tây 2, Chú Ba rất trăn trở rất nhiều về việc di chuyển Phòng khám Y học cổ truyền sang địa điểm mới. Nhưng với lòng nhiệt huyết, tấm lòng thương người, Chú Ba đã chủ động liên hệ, vận động bà con giúp sức, giúp xe vận chuyển Phòng khám sang chỗ mới. Khi sang chỗ mới, Chú hàng ngày dọn dẹp, sắp xếp thuốc, dụng cụ không kể ngày đêm. Có hôm tôi nhìn thấy dáng người cao, tóc bạc đó chạy tới chạy lui kiếm đất để vô chậu, vun đất lại cho từng cây trong vườn thuốc nam mẫu của xã, hàng ngày lặng lẽ dọn dẹp, phân loại lại từng loại thuốc nam với mục tiêu là sớm đưa Phòng khám sớm hoạt động trở lại để phục vụ bà con, bốc thuốc được nhiều hơn. Với những việc làm từ thiện phục vụ cho bà con, cho xã hội, tôi nhận thấy Chú Ba đáng được tuyên dương, là gương sáng không những cho tập thể cán bộ, nhân viên trạm y tế noi theo về tinh thần hết lòng hết sức phục vụ cho bệnh nhân không vụ lợi, không ngại khó khăn gian khổ mà còn đáng được nêu gương điển hình cho mọi người học tập và noi theo chú ấy về nghĩa cử cao đẹp chủ yếu giúp người vì cái tâm và chung tay xây dựng xóm làng ngày càng tiến bộ văn minh, làm thay đổi bộ mặt của vùng quê nông thôn. Chúng ta cần nhân rộng những gương sáng, để được mọi người, mọi tầng lớp thấy đó mà soi. Mỗi lần tiếp xúc với chú Ba, tôi cảm nhận được sự gần gũi, giản dị, chứng kiến cách Chú ứng xử với mọi người mới thấy hết cái tình Chú dành cho mọi người nó chân thành, ấm áp đến lạ thường. Chú là thế, luôn là thế, vẫn với cái tâm trong sáng, tận tụy với công việc với mọi người. Có thể nói, với lòng tận tâm trong công việc chú Trần Văn Nguyền đã cống hiến hết mình cho bà con lối xóm, ấp Bình Trung 2 xã Bình Thạnh Đông nói riêng và cho tất cả mọi người nói chung. Chú thật xứng đáng là một công dân tiêu biểu là tấm gương sáng trong việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn đúng với 18 chữ vàng chói lọi: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Người dự thi Nguyễn Thị Bích Tuyền – Chi bộ trạm Y tế xã Bình Thạnh Đông