Phú Tân - Triển khai thực hiện công tác dân số năm 2024

Theo đó, UBND huyện Phú Tân vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác Dân số năm 2024, với mục tiêu là phấn đấu đạt mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 02 con, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân số hợp lý, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.      Các cặp vợ chồng sinh đủ 02 con.   Chỉ tiêu cụ thể: Ước dân số trung bình năm 2024 là 189.549 người. Số trẻ sinh trong năm 2.383 trẻ. Tỷ suất sinh 12,57 ‰. Tổng tỷ suất sinh 1.84 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh 108,49 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 9,53%.  Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại (CPR) 68%.  Chỉ tiêu chuyên môn: Điều chỉnh mức sinh (CBR) + 0,2 (điểm ‰) so với năm 2024. Số người mới và duy trì sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 2024 là 17.062 người. Trong đó: Đình sản mới 20 người; đặt vòng mới 1.780 người; cấy tránh thai mới 20 người; thuốc tiêm tránh thai (mới + duy trì) 1.145 người; thuốc viên tránh thai (mới + duy trì) 11.424 người; bao cao su tránh thai (mới + duy trì) 2.673 người.  Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 55% (1.311 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh 70% (1.668 trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh). Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng 5% so với năm 2023 (1.610 cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn). Tỷ lệ Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: Tăng 15% so với năm 2023 (3.516 Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ).  Để đạt mục tiêu đề ra, Phú Tân tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân số; ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình mới; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thực hiện công tác dân số. Tăng cường tham gia của các ban, ngành, sự phối hợp của các đoàn thể để lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên của cơ quan.  Đồng thời thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số; Hỗ trợ các đối tượng thuộc diện miễn phí theo quy định; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số theo hướng khuyến khích các đối tượng tự chi trả hoặc chi trả một phần các dịch vụ, kỹ thuật.  Bên cạnh đó, triển khai Chương trình Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức. Tiếp tục đưa các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giáo dục cho học sinh các trường phổ thông (THCS, THPT). Duy trì hoạt động câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”.  Cạnh đó, tập trung vận động sinh ít con hơn ở nơi có mức sinh cao, sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì kết quả ở nơi đã đạt mức sinh thay thế. Tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 02 con, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với từng vùng mức sinh.  Phú Tân cũng tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên; chiến dịch, khám lưu động tại cộng đồng, chú trọng gói khám phụ khoa, dự phòng vô sinh, tầm soát ung thư cổ tử cung cho đối tượng khó tiếp cận, địa bàn trọng điểm, các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ thân thiện cho vị thành niên, thanh niên phù hợp trong tình hình mới. Triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ: hỗ trợ sinh sản; can thiệp, điều trị  sớm một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh tại cộng đồng; can thiệp giảm phá thai ở vị thành niên, thanh niên.  Cung cấp kịp thời phương tiện tránh thai nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của địa phương. Bảo đảm cấp đủ phương tiện tránh thai cho các đối tượng thuộc diện được cấp miễn phí tại các vùng triển khai thực hiện chương trình, không để đối tượng thuộc diện được cấp miễn phí phương tiện tránh thai, không được thụ hưởng chính sách.  Vận động, tư vấn phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.  Thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí dịch vụ kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho các đối tượng thuộc diện được miễn phí. Các trường hợp không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ sẽ thực hiện xã hội hóa (cùng chi trả) theo khung giá dịch vụ hiện hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền./.