Mỗi năm Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền của Hội Đông y xã Hiệp Xương đã khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân miễn phí. Hiệu quả hoạt động của phòng khám có sự góp sức rất lớn của các thành viên trong Tổ chặt và phơi thuốc nam. Đáng quý là cuộc sống nhiều người còn khó khăn, lớn tuổi nhưng vẫn đến với công việc bằng sự tử tế, nhiệt tình và trách nhiệm.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Chói, ấp Bình Trung 2, xã Bình Thạnh Đông. Với cái nắng chói chang của buổi trưa, nhưng ông vẫn vui vẻ, tích cực với công việc phơi thuốc nam. Mặc dù đã ở cái tuổi đã ngoài 70, nhưng ông vẫn lựa chọn và nhiệt tình tham gia với công việc hàng ngày của Tổ chặt và phơi thuốc nam. Theo ông Chói, gia đình rất ủng hộ việc làm từ thiện của ông. Ông Nguyễn Văn Chói chia sẻ: “Tôi tham gia được trên 2 năm nay. Tôi làm chuyện xã hội thấy vui trong lòng, không có gì mệt. Làm chung với anh, em thấy vui, đóng góp tinh thần với nhau; cùng nhau làm chứ không nói bao nhiêu ngày mà làm suốt đến khi nào cảm thấy khả năng hết nổi thì nghĩ. Ở nhà thời gian lây quây cũng hết ngày, mà lại không có ích cho xã hội cũng như bản thân mình. Khi mình làm cho anh, em có thuốc để hốt cho người dân nghe nói hết bệnh thì quá mừng, quá vui”.

Có dịp đi ngang nơi chặt và phơi thuốc nam nơi đây, mọi người sẽ không khó bắt gặp được những hình ảnh các thành viên ngồi chặt thuốc và cười nói với nhau thật vui vẻ. Tiếng cười nói xen lẫn với tiếng lộp cộp khi chặt thuốc, tuy vất vả nhưng thấy việc làm có ích cho người dân ai cũng vui và tự nguyện với công việc này. Cô Cao Thị Tuyết, ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Xương, giờ đây khi các con cô đã yên bề gia thất, thì cô Tuyết lựa chọn gắn bó với công việc thiện nguyện này mặc dù đã 65 tuổi. Cô Cao Thị Tuyết tâm sự: “Tôi tham gia ở đây được trên 5 năm. Tôi thấy ở trong này làm xã hội cũng được nên tôi tham gia cùng anh, em ở đây với công việc nấu cơm, lo nước uống, phụ giúp chặt, phơi thuốc nam. Khi làm ở đây thấy rất vui, con cái trong gia đình cũng ủng hộ việc làm từ thiện này. Vì thấy công việc này cũng ý nghĩa, có ích cho xã hội, cộng đồng nên cố gắng làm với mong muốn cho mọi người hết bệnh và khỏe mạnh”.

Tuy đây là công việc không có thù lao, nhưng các thành viên vẫn tích cực tham gia, tất cả đều có chung mong muốn là được nhìn thấy bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe, hết bệnh. Hàng ngày có mặt trực tiếp tại Tổ khoảng 4 đến 5 thành viên, khi số lượng thuốc nam nhiều thì các thành viên lại hỗ trợ, tiếp tay nhau cho hoàn thành công việc lên đến cả chục thành viên.
Theo ông Võ Thành Lợi, ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Xương, là Tổ trưởng Tổ chặt và phơi thuốc nam cho biết: Đa phần thành viên trong Tổ đều là nông dân, có người làm thuê, mướn… thời gian rảnh, sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa thì các anh, em tập trung đến đây làm các công việc như chặt thuốc, đem phơi thuốc, vô bao, di chuyển thuốc nam.v.v…tất cả trên tinh thần tự nguyện mà đến với công việc thiện nguyện này. Ông Võ Thành Lợi, chia sẻ thêm: “Nguồn thuốc này do người dân hiến đất trồng dược liệu, khi thu hoạch sẽ tập hợp lại đây để anh, em trong Tổ của mình phơi thuốc tạo thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Trước kia, thấy việc tham gia từ thiện có ích cho bà con xung quanh, trong khi bà con còn nghèo, khó khăn nên mình tham gia vào Tổ của Hội đông y để góp phần đem lợi ích cho bà con. Việc này được bà con xung quanh quý mến, được địa phương quan tâm nên tạo động lực cho mình tiếp tục làm. Anh, em trong Tổ có hướng chung mong muốn bà con mình đều có sức khỏe tốt nhất để trong gia đình có được hạnh phúc”.

Hầu hết những người làm việc tại Tổ chặt và phơi thuốc nam đã gắn bó nhiều năm, họ có niềm đam mê với công tác xã hội, có những người từng là bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, họ đều có chung mong muốn làm việc thiện để giúp người, giúp đời. Có tận mắt chứng kiến một ngày làm việc vất vả của tất cả thành viên tại Tổ, chúng ta mới càng trân quý tấm lòng, tình cảm của những thành viên này cũng như các lương y luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân, họ đã góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân bằng y học cổ truyền.
Những việc làm tử tế, có ích cho xã hội của các thành viên trong Tổ chặt và phơi thuốc nam ở đây là hình ảnh đẹp ở tình thương yêu con người sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cũng như sự hết lòng vì dân, chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Người nói “phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” trong lời dạy ngành y. Dù không là y, bác sĩ nhưng các thành viên trong Tổ đã góp phần rất lớn để Phòng chẩn trị Y học cổ truyền của Hội Đông y xã Hiệp Xương này thực hiện lời dạy của Bác, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đây là những việc làm tử tế cần được lan tỏa…./.