Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chương trình, kế hoạch tạo động lực phát triển du lịch; Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên tổ chức khảo sát và Tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường sông gắn với chợ nổi Long Xuyên”. Tổ chức triển khai nhóm nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 6).
An Giang tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch An Giang tại không gian triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP.HCM và ĐBSCL năm 2024 tại thành phố Cần Thơ, Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang tại TP.HCM. Tổ chức Hội thi Ảnh đẹp du lịch An Giang năm 2024. Phối hợp với đơn vị truyền thông thực hiện phóng sự tổng kết về hoạt động Du lịch An Giang năm 2024 phát trên sóng HTV7…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tính từ đầu năm 2024 đến nay, An Giang đón khoảng 9,1 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 101% so với kế hoạch năm 2024). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 25 nghìn lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 10.250 tỷ đồng (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 165% so với kế hoạch năm 2024).
Đạt được kết quả trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tập trung triển khai Đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2030; Tổ chức khảo sát và hội nghị phát triển chương trình, sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh An Giang; Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia và các đơn vị kinh doanh du lịch về định hướng phát triển ngành du lịch An Giang giai đoạn 2026 – 2030; Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, phát triển các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch… trên địa bàn tỉnh.
Du lịch mùa nước nổi là điểm đến hấp dẫn của An Giang.
Thực hiện tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tham gia sự kiện quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch An Giang tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong và ngoài tỉnh; Tổ chức Hội thi thiết kế khẩu hiệu (slogan) và biểu trưng (logo) du lịch An Giang, Hội thi Nghiệp vụ phục vụ bàn giỏi; Tiếp tục thực hiện các Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết với TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang (Dự án 6). Phát huy tối đa nội lực của địa phương, doanh nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển du lịch…
Hiện An Giang có 100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 68 cơ sở được xếp hạng (01 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 31 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch); 26 công ty lữ hành (09 công ty lữ hành nội địa, 16 công ty lữ hành quốc tế, 01 văn phòng đại diện); 06 khu, điểm du lịch được công nhận (01 khu du lịch quốc gia, 01 khu du lịch cấp tỉnh, 04 điểm du lịch); 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch…/.
Nguồn: Báo cáo số 3242/BC-SVHTTDL ngày 5/12/2024