Nâng cao năng lực giáo viên, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh qua chuyên đề Hoạt động trải nghiệm

           Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã mang đến một luồng gió mới, với trọng tâm là phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Một trong những điểm nhấn của chương trình này, chính là hoạt động trải nghiệm, một phương thức giáo dục mang tính thực tiễn cao. Chính vì vậy, để giáo viên có đủ năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm một cách phù hợp, hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang vừa phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Nâng cao năng lực dạy học Hoạt động trải nghiệm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học” năm học 2024-2025 tại trường tiểu học Phú Lâm.

             Chuyên đề được thực hiện với hoạt động “chào cờ, kết hợp hoạt động trải nghiệm”, thông qua tiết dạy “Hưởng ứng các hoạt động xã hội ở địa phương”. Tiết dạy diễn ra sôi nổi với phần thực hiện của cô Phan Thị Diễm cùng các em học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Phú Lâm. Cô Phan Thị Diễm, giáo viên Trường Tiểu học Phú Lâm cho biết: “Trong tiết dạy, tôi đã vận dụng nhiều kĩ thuật dạy học tích cực, hiện đại; hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, như: thảo luận nhóm 4, chia sẻ cặp đôi, trình bày ý tưởng trước lớp, khai thác kiến thức và sử dụng đồ dùng dạy học, tranh ảnh thực tế tại địa phương. Bên cạnh, tôi đã thực hiện đúng quan điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa; bám sát yêu cầu cần đạt của bài trong việc tổ chức các hoạt động dạy học; áp dụng công nghệ thông tin và tổ chức mạch lạc các hoạt động. Qua đó, học sinh rất hứng thú, tích cực trao đổi nhóm, tự tin phát biểu và thuyết trình trước đám đông bằng cảm nhận thực tế về các hoạt động xã hội ở địa phương.”

               Với việc vận dụng nhiều phương pháp dạy học. Các em học sinh có thể dễ dàng trình bày ý tưởng, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay một cách tự tin sáng tạo; biết sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ phù hợp khi nói; biết chia sẻ ý kiến quan điểm, thái độ của bản thân đối với những vấn đề được lựa chọn. Em Phạm Hoàng Tú Anh, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Phú Lâm chia sẻ: “Em và các bạn trong lớp rất vui và hứng thú khi tham gia tiết hoạt động trải nghiệm này. Bởi chúng em được tham gia thảo luận nhóm, tự tin thuyết trình trước lớp, chia sẻ những hoạt động thực tế tại địa phương. Qua đó, giúp chúng em hiểu thêm về những việc làm có ích, bảo vệ môi trường, chăm lo người nghèo,v.v..”  

              Năm học 2024-2025, là năm tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp cuối cùng là 5, 9 và 12, đánh dấu năm đầu tiên chương trình mới được áp dụng đồng bộ ở cả 12 lớp học. Trong đó, hoạt động trải nghiệm là môn học mới được tích hợp từ nhiều môn học, giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng trong việc thiết kế và tổ chức các hoạt động này. Thầy Cao Văn Dư, Tổ trưởng Tổ hoạt động trải nghiệm tỉnh An Giang cho biết thêm: “Để triển khai hiệu quả môn học này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề nhằm trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất trong quy trình và việc linh hoạt, chủ động trong lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả. Chuyên đề lần này giáo viên được dự “sinh hoạt dưới cờ, kết hợp hoạt động trải nghiệm” thông qua tiết dạy “Hưởng ứng các hoạt động xã hội ở địa phương”. Qua đó, giáo viên nắm được phương pháp dạy mới về sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm của học sinh, cách xây dựng kế hoạch bài dạy và đánh giá học sinh thông qua các tiêu chí năng lực cụ thể. Sau đó, biết cách tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng lứa tuổi, áp dụng vào thực tế giảng dạy tại đơn vị.” 

             Qua hội thảo chuyên đề là diễn đàn chia sẻ, thảo luận về những biện pháp thực hiện hiệu quả việc dạy môn Hoạt động trải nghiệm phù hợp với yêu cầu đổi mới hoạt động dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh mà còn phát huy khả năng tự tin, sáng tạo của học sinh trong cuộc sống. Đây chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng dạy học Hoạt động trải nghiệm và các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018, xây dựng một thế hệ học sinh chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm./.

Tác giả
Kim Sang