Đến nay, toàn huyện có 255 cơ sở, sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề nông thôn. Trong đó, chế biến nông lâm thủy sản (101 cơ sở); Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (7 cơ sở); Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn (13 cơ sở); Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (45 cơ sở) và Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn (89 cơ sở)…Phần lớn các ngành nghề hoạt động sản xuất quanh năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành nghề là trong và ngoài tỉnh. Riêng các mặt hàng sản xuất của lò rèn, bó chổi thì xuất sang thị trường ngoài nước. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.111 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5–5,5 triệu đồng/người/tháng… Nhìn chung, lĩnh vực ngành nghề nông thôn đã có sự phát triển, sản phẩm hàng hoá ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của người tiêu dùng. Đa số các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn… Thời gian tới, huyện Phú Tân tiếp tục phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm đa dạng hoá sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh; đồng thời, chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của huyện gắn Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.