NHỮNG TẤM LÒNG THIỆN NGUYỆN Ở XỨ ĐẠO PHÚ TÂN

Hơn 15 năm nay, ông Nguyễn Thiện Phe ở xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, cùng với bà con trên địa bàn xã có chung tấm lòng thiện nguyện đã cùng nhau trồng, chăm sóc cây nghệ đen, một loại dược liệu quý dùng để chữa nhiều bệnh trong y học cổ truyền. Theo ông Phe, trung bình nghệ đen 2 năm thu hoạch một lần. Do đó, trên khu đất khoảng 8.000m2, ông và những người bạn đồng hành đã trồng luân phiên để mỗi năm đều thu hoạch đảm bảo đủ nguồn cung điều trị bệnh cho bà con nhân dân trong một năm. Ông Nguyễn Thiện Phe, xã Phú Thạnh cho biết: “Bây giờ thấy nghệ đen rất thông dụng, nên tôi tận dụng những diện tích đất của người dân cho mượn miễn phí cùng bà con trồng, chăm sóc nghệ đen. Mỗi năm thu hoạch một công khoảng 5 tấn, nếu thu hoạch 2 công được 10 -15 tấn nghệ, để sử dụng bào chế thuốc cấp miễn phí cho bà con trong và ngoài địa phương trị bệnh suốt trong một năm. Thuốc được tôi bào chế ra thấy bà con uống trị bệnh hiệu quả tôi rất vui, bởi mình chia sẻ phần nào sự đau khổ của người bệnh. Bởi vậy, tôi và bà con trong nhóm nỗ lực, hợp tác nhau làm.” Từ lúc gieo trồng đến thu hoạch, các thành viên trong nhóm phải tốn nhiều công sức chăm sóc, tưới nước, làm cỏ, bón phân. Không chỉ vậy, mọi người còn đóng góp kinh phí thực hiện, mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Mỗi người một ít, tùy theo khả năng. Đều này hết sức trân quý khi cuộc sống của nhiều thành viên vẫn còn không ít khó khăn. Bà Đinh Thị Kim Tho, xã Phú Thạnh chia sẻ: “Tôi tham gia nhóm thiện nguyện này hơn 10 năm qua. Xác định công việc từ thiện là làm chung cho cộng đồng, xã hội, ai cũng có trách nhiệm nên khi nhóm cho hay tôi tranh thủ công việc nhà xong đều tham gia làm thiện nguyện.” Ông Mai Văn Thoa, Xã Phú Thạnh chia sẻ thêm: “Bây giờ về hưu rồi, ở nhà rảnh nên tôi tham gia vào nhóm làm thiện nguyện. Từ sưu tầm, chăm sóc đến thu hoạch dược liệu cung cấp cho nhà thuốc nam; cất nhà, chở củi cho các cơ sở nấu ăn. Các thành viên trong nhóm cũng vui vẻ, đoàn kết làm, giúp được cho xã hội là bản thân và các thành viên rất vui, nên có vất vả đến đâu cũng tích cực làm.” Sau thu hoạch, nghệ đen được đem về rửa sạch và bào chế thành thuốc cấp miễn phí cho bà con trong và ngoài địa phương trị bệnh. Theo y học cổ truyền, nghệ đen có vị đắng, cay, mùi thơm hăng, tính ấm, tác dụng hành khí, thông huyết, tiêu thực, mạnh tì vị, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm, tiêu xơ. Hiện nay, ngoài trồng nghệ đen, ông Phe và bà con còn trồng gừng gió, cũng là một dược liệu thông dụng trong y học cổ truyền. Ông Hà Văn Luật 76 tuổi, xã Phú Thạnh bày tỏ: “Dù lớn hay nhỏ tuổi, khi có thời gian rảnh làm cho xã hội được thì mừng lắm. Lúc nào cũng vậy, tôi luôn thiết tha với xã hội. Ngày nào xã hội còn người bệnh, thì ngày đó tôi cũng không vui.” Nhờ sự chung tay, góp sức của mọi người mà hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị ngày càng nhiều, giúp nhiều bệnh nhân nghèo giảm đi phần nào gánh nặng chi phí thuốc thang, an tâm điều trị bệnh. Ngoài trồng, sưu tầm dược liệu, các thành viên trong Tổ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác, các phong trào do địa phương phát động. Ông Hà Văn Luật, xã Phú Thạnh bày tỏ: “Công việc thiện nguyện này hễ nơi nào cần thì tôi cùng bà con đều đến giúp. Ở xã, tôi với năm Phe tổ chức trồng, chăm sóc nghệ, bào chế thuốc cấp miễn phí cho bà con bị bệnh. Tham gia cất nhà, mua cây làm củi cho các trạm cơm từ thiện, đôi khi tham gia làm cầu, đường,v.v…Nói tóm lại là việc nào thiện, giúp ích cho xã hội là đều làm.”  Thấm thoát đã hơn 15 năm trôi qua, các thành viên trong nhóm vẫn miệt mài với công việc của mình, mà không cần đến tiền công cũng chẳng cần báo đáp. Niềm vui lớn nhất đối với mọi người, chính là nụ cười của bà con khi hết bệnh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, được thấy quê hương mình ngày càng khang trang, phát triển. Đó cũng chính là động lực, để các thành viên tiếp tục công việc thiện nguyện của mình trong thời gian tới. Tấm lòng, việc làm của mọi người thật đáng trân trọng, biểu dương./.