Huyện Phú Tân là địa phương chuyên sản xuất lúa nếp có thương hiệu nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chưa tiếp cận được với người sản xuất của huyện. Cử tri kiến nghị ngành chức năng quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, nhà máy đến tiếp cận thu mua lúa nếp của huyện, tạo điều kiện cho người dân sản xuất có đơn vị tiêu thụ ổn định.
Ngành Nông nghiệp An Giang đề nghị bà con nông dân chủ động tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo quy mô hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng của doanh nghiệp.
UBND tỉnh giải trình: Hiện, toàn ngành Nông nghiệp An Giang đã và đang tích cực phối hợp với Ban ngành liên quan và địa phương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân nhằm tăng dần tỷ lệ sản xuất theo hợp đồng ổn định, hạn chế những rủi ro trong vấn đề tiêu thụ.
Hàng năm, bên cạnh việc ban hành kế hoạch sản xuất từng vụ (Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông) để tổ chưc sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngành Nông nghiệp còn tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 722 /KH-UBND ngày 19/7/2024 về việc Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024-2025.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp còn tổng hợp và cung cấp cho địa phương thông tin các doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa nếp và các nông sản khác; xây dựng Diễn đàn kết nối nông sản trực tuyến thông qua zao group để thường xuyên cung cấp thông tin bản tin thị trường lúa gạo cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua. Qua đó, Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương trong toàn tỉnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp năm 2022 là 123.089 ha; năm 2023 là 97.601 ha và 6 tháng đầu năm 2024 là 53.474 ha, với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết.
Riêng đối với huyện Phú Tân, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp hỗ trợ địa phương kết nối tiêu thụ lúa nếp với nhiều doanh nghiệp như (Thiện Phát, Thạnh An, Đặng Tuấn, Nanotech, DNTN Nguyễn Văn Hậu, Nông Phát Đạt,…).
Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa nếp theo hướng bền vững, thì cần có sự nỗ lực vào cuộc hơn nữa của các Ban ngành có liên quan và địa phương trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất -tiêu thụ lúa nếp.
Đồng thời, đề nghị bà con nông dân chủ động tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo quy mô hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng của doanh nghiệp; đặc biệt là tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; kịp thời triển khai các kế hoạch sản xuất, kế hoạch liên kết và các thông tin về bản tin thị trường lúa nếp, nhu cầu doanh nghiệp đến các hợp tác xã, nông dân nắm thông tin./.
Nguồn: Báo cáo số 793/BC-UBND ngày 19/8/2024