Vụ Thu Đông này, toàn huyện Phú Tân xuống giống trên 13.900 hecta lúa nếp. Đến nay, các trà lúa, nếp đang trong giai đoạn làm đòng và trổ. Theo kết quả thăm đồng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân đã ghi nhận sự xuất hiện và gây hại của bệnh cháy bìa lá và sọc trong trên lúa, nếp. Do đó, khuyến cáo bà con nông dân, nên tăng cường thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị kịp thời.
Theo Trạm Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân cho biết: Hiện các trà lúa, nếp đang vào giai đoạn đòng trên 12.500 hecta và trổ trên 1.430 hecta, qua kết quả thăm đồng điều tra của cán bộ kỹ thuật đã ghi nhận 60 hecta trên lúa làm đòng nhiễm bệnh cháy bìa lá và sọc trong tập trung ở các xã Phú Xuân, Chợ Vàm, Phú Thạnh và có dấu hiệu lây lan trong vài ngày tới. Bệnh cháy bìa lá và sọc trong, đều do vi khuẩn gây ra. Với các triệu chứng sau: trên phiến lá, vết bệnh thường bắt đầu ở chóp lá, tạo thành các sọc dài úng nước một hay hai bên bìa lá, vài ngày sau vùng bệnh biến sang màu vàng, bìa gợn sóng. Vùng bệnh phát triển lan dần ra, vùng mô tiếp giáp giữa mô mạnh và mô bệnh bị úng nước, mô bệnh sẽ trở nên màu xám trắng. Các lá non thường bị bệnh trước có các sọc màu vàng hay xanh nhạt chạy dài theo gân phiến lá. Trên vết bệnh mới sáng sớm thấy các giọt vi khuẩn màu trắng đục hay vàng ứa trên mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những ruộng bón phân không cân đối thừa phân đạm, sạ dày, ở những ruộng trũng, cỏ dại nhiều.


Bệnh sọc trong vi khuẩn thường tấn công gây hại trên lá, vết bệnh là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết bệnh xanh tái, dần dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục sau đó khô lại thành những viên keo vi khuẩn trong như hạt trứng cá, dễ dàng rơi khỏi mặt lá và rơi xuống nước trên ruộng. Khi ruộng bị nặng thì toàn bộ ruộng lúa chuyển màu vàng cam sau chuyển màu vàng nâu.
Để phòng trừ hiệu quả bệnh cháy bìa lá và sọc trong. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con cần áp dụng các biện pháp sau: Sạ hàng từ 80 -100 kg giống/hecta, hoặc sạ thưa từ 100-120kg giống hecta. Bón phân cân đối NPK tránh bón thừa phân đạm từ giai đoạn đòng trổ về sau. Thăm đồng thường xuyên, nhất là giai đoạn đòng - trổ và quan sát kỹ ruộng lúa để sớm phát hiện bệnh. Khi ruộng bị bệnh bà con nên tháo nước ra để hạn chế bệnh lây lan theo nguồn nước…
Khi ruộng lúa bị nhiễm bệnh cháy bìa lá và sọc trong với tỷ lệ 5-10% số lá có vết bệnh, bà con hạn chế lội vào ruộng nhổ lúa cơi, làm cỏ, phun phòng trị bằng các loại thuốc: STARNER 20WP, XAN-TO-CIN 40WP, TO-TAN 200WP, ANTI-XO 200WP, PAROSA 325WP … theo liều hướng dẫn trên nhãn và pha thêm chất bám dính. Nên phun lặp lại lần thứ hai cách lần thứ nhất 5 –7 ngày./.