Hội thảo tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình đề án 1 triệu hecta tại xã Hiệp Xương

              Sáng ngày 12/11, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình sản xuất lúa thương phẩm (hàng hoá) theo quy trình 1 Phải 5 Giảm phục vụ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại xã Hiệp Xương. Trên 50 đại biểu và nông dân trên địa bàn huyện đến tham quan mô hình.

              Theo đó, Mô hình sản xuất theo quy trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại HTX Hiệp Xuân Phú với quy mô 15 hecta có 10 nông dân tham gia mô hình, canh tác giống OM 5451, áp dụng mật độ gieo sạ 80kg/hecta. Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật và nông dân thăm đồng nhận dạng sâu bệnh, thiên địch và hướng dẫn nông dân viết sổ tay nhật lý canh tác để so sánh hiệu quả kinh tế vào cuối vụ. Khi tham gia mô hình này, nông dân thực hiện tiết kiệm nước, quản lý nước tưới theo hình thức ngập khô xen kẻ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên nền tảng quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp.

               Theo kết quả đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Qua 3 lần tập huấn có 90 lượt nông dân tham dự, nhận thức của nâng dân được nâng lên. Giảm số lần phun thuốc trừ sâu, có nông dân không phun thuốc trừ sâu rầy trong suốt vụ. Như vậy, ước tính trung bình giảm 0,5 lần phun thuốc trừ sâu; 1.63 lần thuốc trừ bệnh, về lượng giống nếu sạ theo tập quán cũ từ 150 – 200 kg/hecta, nay làm theo mô hình nông dân giảm 120kg/hecta, tiết kiệm trên 1 triệu 200 nghìn đồng/hecta. Ruộng mô hình sử dụng công thức phân 76 đạm – 48 lân -49 kali, trong khi ruộng đối chứng sử dụng 104 đạm – 76 lân – 31 kali. 

              Xét về hiệu quả kinh tế thì ruộng mô hình giảm chi phí phân bón từ 300 – 800 nghìn đồng/hecta, giảm từ 1,8 - 3 triệu đồng/hecta chi phí thuốc bảo vệ thực vật, bình quân năng suất tương đương 6,6 tấn/hecta với giá bán 8 nghìn đồng/kg, ruộng mô hình thu về trên 32 triệu đồng/hecta, khi đó ruộng đối chứng thu về khoảng 26 triệu đồng/hecta, ruộng mô hình lợi nhuận từ 3,3-3,9 triệu đồng/hecta.

              Có thể thấy, ruộng bón vùi phân cây lúa nẩy chồi sớm hơn, cây to hơn rễ dài hơn ruộng không vùi phân. So với ruộng đổi chứng thì tổng chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm rất nhiều so tập quán của bà con nông dân, nên lợi nhuận của bà con nông dân được tăng lên. Qua quá trình sản xuất tham gia điều tra, nông dân xác định được số chồi hữu hiệu, hiệu quả sạ thưa, hiệu ứng của hàng biên, hiệu quả của ảnh hưởng thiên địch trên ruộng lúa, tưới ngập khô xen kẻ không sử dụng chất ức chế sinh trưởng như Paclobutrazol./.

Tác giả
Lê Giàu