Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc học tiếng Anh không chỉ là yêu cầu, mà còn là một cơ hội giúp các em học sinh tiếp cận văn hóa thế giới. Xác định tầm quan trọng này, tại trường tiểu học Phú Thọ, Hội thi “Sân khấu hóa các câu chuyện Văn học dân gian bằng tiếng Anh bậc tiểu học” năm học 2024-2025, do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân tổ chức đã diễn ra vô cùng sôi nổi và hấp dẫn. Đây không chỉ là sân chơi giúp các em học sinh tiểu học thực hành tiếng Anh, mà còn là cơ hội để các em tìm hiểu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hội thi năm nay đã thu hút sự tham gia của 25 đội, với hơn 200 thí sinh đến từ các khối lớp của các Trường Tiểu học trên địa bàn huyện. Trong thời gian từ 10 phút đến không quá 20 phút, bằng lời nói, âm thanh và nghệ thuật sân khấu, mỗi đội thể hiện tài năng và sự sáng tạo qua tiểu phẩm chuyển thể từ câu chuyện Văn học dân gian bằng tiếng Anh. Qua đó, nêu bậc giá trị nhân văn của những câu chuyện trongsách giáo khoa, sách tham khảo của các nhà xuất bản trong và ngoài nước phù hợp lứa tuổi học sinh. Đây là cách các em vừa học, vừa chơi, rèn luyện khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Em Nguyễn Ngọc Tâm Minh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học B Phú Mỹ chia sẻ: “Đến với hội thi lần nay, đơn vị trường em tham gia câu chuyện bông hoa cúc trắng. Em rất vui vì được diễn kịch và nói tiếng Anh cùng với các bạn. Qua đó, giúp em tự tin thuyết trình và học tiếng Anh tốt hơn.”
Em Nguyễn Đỗ Ra Sin, học sinh Trường Tiểu học A Chợ Vàm bày tỏ: “Hội thi sân khấu hóa là sân chơi thiết thực cho chúng em,tạo cơ hội cho chúng em được giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhau. Đồng thời, giúp em tự tin hơn để tham gia các hội thi khác và học tốt môn tiếng Anh.”

Các đội dàn dựng công phu cả về nội dung lẫn hình thức sân khấu hoá. Tái hiện sinh động các câu chuyện Văn học dân gian quen thuộc bằng tiếng Anh với lời thoại rõ ràng, biểu cảm sinh động, kết hợp nhạc nền truyền thống. Các câu chuyện Văn học dân gian như: Cậu bé Tích Chu, Tấm Cám, Sự tích hoa cúc trắng, Nàng tiên gạo, Mai An Tiêm, Sơn Tinh - Thủy Tinh,v.v… Không chỉ làm các em sử dụng ngôn ngữ khá lưu loát, phát âm rõ ràng, không e ngại khi sử dụng tiếng anh vào các câu thoại dài, có biểu cảm hợp lý mà các em còn sáng tạo khi kết hợp các yếu tố như: âm nhạc, trang phục và đạo cụ để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Sau phần trình diễn, các đội trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo hội thi xoay quanh nội dung của những câu chuyện được kể. Thầy Ngô Trung Chánh, Ban Giám khảo hội thi, thành viên cốt cán Hội đồng môn tiếng Anh huyện nhận định: “Hội thi năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi thấy các trường đều chuẩn bị cả về nội dung lẫn hình thức chu đáo, công phu. Chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt, các em rất sáng tạo và tự tin thể hiện phần thi của mình. Trong đó, có nhiều thí sinh diễn xuất khá tốt với lời thoại tiếng Anh dài và khó. Bên cạnh đó, các em trả lời tốt các câu hỏi của ban giám khảo. Nhờ những hội thi này mà việc dạy và học tiếng Anh của giáo viên, học sinh của các trường tiểu học trong huyện ngày càng được nâng chất, đáp ứng được yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.”
Hội thi “Sân khấu hóa các câu chuyện Văn học dân gian bằng tiếng Anh bậc tiểu học” không chỉ là một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh trên địa bàn huyện mà còn là cơ hội đề cao văn hoá, các giá trị đạo đức, lòng yêu nước đáng tự hào của dân tộc. Qua đó, học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về đặc trưng và vẻ đẹp của Văn học dân gian, bồi đắp thêm tình yêu và niềm tự hào đối với di sản Văn học dân gian nói riêng và những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc nói chung. Các em thêm yêu thích học môn tiếng Anh. Đồng thời, Hội thi cũng là cơ hội để các cán bộ quản lý và giáo viên đánh giá được các hoạt động giảng dạy tiếng Anh của đơn vị, trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường với nhau. Tin rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều sân chơi ý nghĩa như thế này để các em học sinh vừa học, vừa phát triển toàn diện./.