Ngày 14/03, tại ấp Phú Thu, xã Phú Xuân, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân tổ chức tổng kết, nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ vụ Đông xuân năm 2024 - 2025. Mô hình phục vụ Đề án “01 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mô hình được thực hiện tại hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Xuân Phú, xã Phú Xuân, với diện tích 15 hecta của 02 hộ dân tham gia và giống được chọn thực hiện mô hình là giống IR 4625 và OM18, cấp độ giống xác nhận, mật độ gieo sạ 80kg/hecta. Thực hiện đúng theo quy trình đề ra giúp giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng, đúng thời điểm giúp cây hấp thụ đầy đủ ánh sáng và chất dinh dưỡng tăng tỷ lệ nảy chồi, khả năng quang hợp và vô gạo tốt hơn, cứng cây, ít đổ ngã, giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với ruộng canh tác theo tập quán sạ dày của nông dân. Ruộng mô hình sử dụng giống nếp IR 4625 cho lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng giống nếp IR 4625 trên 10 triệu đồng/hecta.
Qua tham quan thực tế mô hình, hầu hết nông dân đều nhận thấy hiệu quả tích cực từ việc giảm lượng giống gieo sạ. Từ giảm giống sẽ giảm phân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Theo chia sẻ của nông dân tại buổi hội thảo, trong các vụ mùa tới, nông dân sẽ từng bước áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo mô hình, hướng đến thực hiện quy trình theo Đề án “01 triệu hecta lúa chất lượng cao”./.