An Giang yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh Sởi

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, với 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình, một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. 

Việc tiêm vắc-xin sởi được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ tháng 10/1985. Sau 40 năm tổ chức tiêm chủng, tỷ lệ mắc sởi đã giảm đáng kể, từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010. Sau chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 1-5 tuổi vào cuối năm 2010, tỷ lệ mắc tiếp tục giảm trong các năm 2010-2012. Tuy nhiên, dịch sởi vẫn bùng phát theo chu kỳ khoảng 5 năm, điển hình vào các giai đoạn 2014-2015, 2019-2020 và hiện nay là 2024-2025.

Hiện nay thời tiết chuyển mùa, biến động khí hậu tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Mặc dù Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch sởi từ cuối năm 2024, nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Theo thông tin từ Bộ Y tế từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng; theo đó ngày 18-3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi.

Theo đó, Sở Y tế đánh giá tình hình diễn biến bệnh Sởi tại địa phương để có kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới. Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh Sởi theo chương trình, kế hoạch đã phê duyệt. 

Đồng thời triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm và tiêm chưa đầy đủ vaccine. Tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của mỗi địa bàn để nhanh chóng tiêm chủng cho các đối tượng. Bảo đảm đủ vaccine phòng bệnh Sởi, cấp phát kịp thời cho các địa phương để triển khai có hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng (không được để thiếu và trậm trễ).

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng đảm bảo bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn; không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức thực hiện nghiêm thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Sởi và sốt phát ban nghi Sởi, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Sởi để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các bậc phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Báo, Đài và các phương tiện thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi; thông tin thường xuyên, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh; ngăn chặn, xử lý thông tin không đúng về dịch Sởi.

 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục khẩn trương chỉ đạo đánh giá tình hình diễn biến bệnh Sởi tại địa phương để có kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới.

Cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng đảm bảo bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn; không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, tinh thần là phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Chỉ đạo tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế./.

Nguồn: Công văn số 369/UBND-KGVX ngày 18/3/2025

Tác giả
Hải Nhu