Lương y Lê Phước Rồng, sinh năm 1959, Pháp danh Thích Giác Thống, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Phú Tân, Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ngay từ nhỏ, ông đã có nguyện vọng được theo nghề đông y. Đến năm 1991, ông tham gia thực tập tại Cứu tế viện của huyện Phú Tân (là Hội Đông y huyện ngày nay). Năm 1992, sau khi trãi qua cuộc thi sát hạch tay nghề cho những lương y lâu năm, ông được Sở Y tế An Giang cấp chứng nhận đủ trình độ chuyện môn tham gia công tác khám chữa bệnh bằng đông y. Kể từ đó, ông đã tích cực hoạt động khám chữa bệnh và có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội Đông y huyện. Với tâm niệm, khi điều trị cho bệnh nhân, thì cái “tâm” của người chữa bệnh là đáng quý nhất. Chữa bệnh cứu người bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, không vì lợi nhuận; các bệnh nhân đến chữa bệnh được ông khám, tư vấn nhiệt tình. Lương y Lê Phước Rồng chia sẻ: Bản thân tôi nhận thấy rằng, người dân vẫn còn mến mộ những thang thuốc sắc, hoặc thuốc viên cơ bản nào đó, do các phòng chuẩn trị điều chế. Người dân vẫn còn tâm đắc với loại thuốc này, cho nên tôi đã theo đuổi và gắn bó với ngành này đã hơn 30 năm. Với mong muốn giúp cho người dân có chỗ nương tựa vào thuốc đông y. Qua đó, giúp cho người dân hiểu rằng, thuốc nam không phải không tốt, rất tốt. Nhưng nguyện vong của tôi mong muốn làm sao để cho thuốc xanh đó càng xanh hơn để xứng tầm với tân dược. Tại phòng Chẩn trị Hội Đông y xã Phú Xuân. Mặc dù mọi người đều làm việc không công, nhưng ai cũng rất vui vẻ, nhiệt tình. Với vai trò vừa là thầy thuốc và là Chủ tịch Hội đông y xã, ông luôn nhắc nhở các hội viên phải tận tâm, không qua loa khi chuẩn bị dược liệu làm thuốc, khi bào chế các thuốc thành phẩm để bà con nhanh khỏi bệnh. Ông xây dựng phòng khám Đông y vừa là nơi người dân đến khám chữa bệnh, vừa là nơi nghiên cứu về y học cổ truyền để tìm nguồn thuốc bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Tại đây, tất cả bệnh nhân từ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến người có điều kiện đều được khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Bà Đinh Thị Nương, ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân cho biết: Chú Rồng rất là tốt, luôn vui vẻ, ở đây ai cũng mến chú hết. Cứ ra hốt thuốc gặp chú là thấy thoải mái lắm. Chú hốt thuốc cũng rất mát tay, hốt thuốc về uống người mình thấy khỏe lắm. Ngoài việc dựa vào cổ phương để bào chế các loại cao đơn hoàn tán chủ trị các bệnh chứng thường gặp ở cộng đồng, các bệnh về rối loạn nội tiết phục vụ cho điều trị tại chỗ, lương y Lê Phước Rồng và Phòng Chẩn trị xã Phú Xuân được người dân cho mượn trên 2.000m2 đất để trồng dược liệu như: Tía tô, bạc hà, kim tiền thảo, cỏ hàn the, mạn kinh tử… Không chỉ giỏi về khám chữa bệnh bằng thuốc, lương y Lê Phước Rồng còn rất giỏi tay nghề về châm cứu. Với hàng chục năm kinh nghiệm học thuật của bản thân, lương y luôn tận tình hướng dẫn, đào tạo lại cho các thầy thuốc trong Hội để kế thừa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền cho nhân dân trong huyện. Mặt khác, lương y cũng tự tìm hiểu về những kiến thức xét nghiệm cận lâm sàng để phối kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Lương y Lê Phước Rồng chia sẻ thêm: Mong muốn đem ngành y học cổ truyền xưa của dân tộc ta để chữa bệnh cho nhân dân ta. Giờ nào mình còn làm được, còn sức khỏe, còn phục vụ được về khám chữa bệnh cho nhân dân hồi phục sức khỏe, đồng thời, tích cực tiếp lửa cho thế hệ sau và phát triển nguồn dược liệu làm sao cho đúng nghĩa. Đó là nguyện vọng lớn nhất của bản thân tôi, làm đến khi nào hết nổi thì thôi. Ghi nhận những đóng góp thiết thực của ông trong suốt thời gian từ khi ông trở thành lương y cho đến nay, Trung ương Hội Đông y Việt Nam, UBND tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân và Hội Đông y tỉnh An Giang đã tặng thưởng cho ông rất nhiều bằng khen, phần thưởng cao quý khác. Ông Đoàn Hiếu Mẫu – Chủ tịch Hội Đông y huyện Phú Tân nhận xét: Lương y là một người có tinh thần học tập rất cao. Từ khi công tác trong nghề, nghe đâu có thầy hay, thuốc giỏi là lương y tìm đến để nghiên cứu, học tập. Lương y là người có nhiều chứng chỉ đào tạo lương y nhất trong hệ thống Hội Đông y huyện Phú Tân. Ngoài ra, lương y Lê Phước Rồng cũng tận tâm hướng dẫn, dẫn dắt những đàn em muốn đi theo học nghề, đào tạo đội ngũ kế thừa. Về tinh thần, thái độ phục vụ trong ngành, với bà con nhân dân hay với người bệnh, lương y Lê Phước Rồng rất tận tình, hết lòng, với mong muốn làm sao giúp bà con mình có được thời gian điều trị bệnh sớm nhất. Có thể nói đây là một vị lương y rất tiêu biểu trên địa bàn huyện. Niềm vui lớn nhất của lương y Lê Phước Rồng, là được nhìn thấy sức khỏe của bà con cải thiện mỗi ngày. Vô vàng những vui buồn, khó khăn trong nghề, nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ bệnh nhân của mình. Dù ở đâu, chỉ cần bà con tin tưởng tìm đến, thì lương y vẫn tận tay bắt mạch, cho thuốc giúp người. Ông luôn tâm niệm sức khỏe của bà con chính là sức khỏa của ông./.