Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn thời hạn mùa tỉnh An Giang. Theo đó, “mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc dưới BĐI từ 0.10-0.30m. Thời gian xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10”. Do ảnh hưởng các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn tại chỗ nhiều ngày qua, mực nước trên các sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện đang lên cao. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, chủ động trong công tác ngưng vụ/xả lũ theo đúng kế hoạch lịch thời vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế và đạt hiệu quả cao trong việc ngưng vụ/xả lũ năm 2024, ngày 29-7, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục thông tin, quán triệt trong nội bộ và Nhân dân thông suốt chủ trương sản xuất 02 năm 05 vụ trên địa bàn huyện. Đồng thời phối hợp và khẩn trương thực hiện thông báo thời gian ngưng vụ/xả lũ (đối với các tiểu vùng nhiều xã và tiểu vùng ngưng vụ/xả lũ vụ Thu Đông năm 2024) để Nhân dân biết, chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết khi tiến hành xả lũ. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức vận hành linh hoạt các cống dưới đê để điều tiết mực nước lũ trong nội đồng. Cụ thể theo Điều 8, Quy trình phối hợp vận hành vùng Dự án Bắc Vàm Nao để phục vụ sản xuất như sau: Chỉ vận hành lấy nước đối với các cống đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn (có hệ thống đóng mở, cầu công tác, thảm rọ đá...). Không được mở hệ thống cống chưa được đầu tư nâng cấp và kể cả cống tư nhân. Khi có thông báo thời gian ngưng vụ/xả lũ của địa phương, vận hành mở các cống dưới đê lấy nước từ các kênh tạo nguồn vào các vùng ngưng vụ/xả lũ. Khi mực nước trong nội đồng cao hơn mặt ruộng tự nhiên từ 0,5m (từ 1,0m đối với các vùng trũng, thấp), tiến hành vận hành đóng các cống dưới đê. Lúc này các vùng ngưng vụ/xả lũ được xem là các vùng trữ lũ. Khi lũ lớn và thực hiện đóng toàn bộ các cống, trong trường hợp mưa lớn kéo dài và nước được bơm tiêu từ các vùng sản xuất ra các kênh tạo nguồn, dẫn đến mực nước kênh tạo nguồn dâng cao. Khi đó tại các vùng trữ lũ, tiếp tục vận hành mở các cống dưới đê đưa nước vào ruộng, làm giảm tải áp lực nước của các kênh tạo nguồn. Lưu ý, phải đảm bảo hiệu quả khi ngưng vụ/xả lũ và hài hòa lợi ích giữa các loại hình sản xuất, hạn chế thiệt hại cho một số diện tích cây ăn trái và việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và thuỷ sản… Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức rà soát diện tích trồng cây ăn trái trong vùng ngưng vụ/xả lũ, thông báo, làm việc cụ thể từng hộ dân có phương án tự bảo vệ khi xả lũ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng các hộ dân xuống giống rau, màu trong vùng xả lũ. Thực hiện tuần tra, kiểm tra tất cả các tuyến đê bao. Trong đó đối với các tuyến đê có xả lũ, rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở (do sóng vỗ) để có phương án xử lý phù hợp. Chủ động xây dựng kế hoạch vận hành cống để chắt nước (khi lũ rút) góp phần đảm bảo công tác xuống giống vụ Đông Xuân 2024 – 2025 đúng lịch thời vụ. Theo kế hoạch, Phú Tân dự kiến xả lũ vụ Thu Đông năm 2024 với tổng diện tích trên 9.760 hecta thuộc 8 tiểu vùng, gồm: Bình Thạnh Đông, Đông Sườn Phú Lâm, Bắc Cái Tắc, Tây Trường Học, Tây Sườn Phú Lâm, Tây Sườn 3, Bắc Phú Lạc và Bắc Hòa Bình./.
Tác giả
Hải Nhu