ÔNG TRẦN VĂN MƯA - “TẤM GƯƠNG NGHỊ LỰC VÀ LÒNG NHÂN ÁI”

Thế hệ trẻ ngày nay không ai may mắn được gặp Bác, nói chuyện với Bác, nhưng hình ảnh về Bác thì thật gần gũi, gần gũi như chính những người ruột thịt, những người máu mũ của chúng ta vậy. Khi nhỏ, đến trường chúng ta đã biết đến năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Lớn lên, chúng ta phấn đấu được vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cao hơn nữa là được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bất cứ khi nào, trong thời điểm nào “Bác Hồ” một hình ảnh thân thương sẽ mãi mãi bên ta trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp.           Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cứ tưởng việc học tập và làm theo Bác chỉ có cán bộ, đảng viên mới làm được, còn người dân ít quan tâm, đặc biệt là những người nông dân vùng nông thôn. Nếu chúng ta đã từng có suy nghĩ như vậy là sai lầm, vì sinh thời Hồ Chủ tịch đã từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điển hình tại xã Phú Bình, có một người nông dân chất phác bằng nghị lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, chăm lo phúc lợi xã hội tại xã Phú Bình mang tên Trần Văn Mưa, mà người dân hay gọi thân mật là ông Hai Mưa, sinh năm 1964, ngụ tổ 10, ấp Bình Thành, xã Phú Bình.           

Dọc theo con đường Cồn nhỏ ấp Bình Thành, xã Phú Bình, mới cảm thấy cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều, bước vào căn nhà nhỏ khang trang, trò chuyện với ông Hai Mưa, mọi người sẽ ấn tượng bởi vẻ ngoài của một người nông dân chất phác, có dáng người cao, nước da ngâm, hay cười.           

Với đức tính cần cù, chịu khó, ông Hai Mưa tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất, dành nhiều thời gian tham quan các mô hình sản xuất giỏi ở địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm, vừa học hỏi vừa áp dụng vào thực tiễn. Năm 2000, ông mạnh dạn chuyển đổi canh tác, áp dụng mô hình vườn ao chuồng trên 5 công đất vườn xoài nhà mình với cách làm lấy ngắn nuôi dài, nhờ vậy mà mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Ông Hai Mưa tiếp tục mở rộng sản xất bằng nghề “Ươn và nuôi cá nàng hai, cá trạch lấu” mang lại thu nhập hằng năm tăng gần 100 triệu đồng/1 năm và trong những năm gần đây tăng trên 400 triệu đồng/1 năm. Gia đình của ông đã thoát nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi. Ba người con của ông đến nay có hai người học xong đại học và có việc làm ổn định. Với những thành tích đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh, ông Hai Mưa đã được các cấp, các ngành ghi nhận và khen thưởng, được công nhận là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền từ năm 2012 đến nay.            

Không những thế ông Hai Mưa còn là một người nông dân luôn đi đầu hưởng ứng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương Phú Bình. Kế thừa và phát huy tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các hộ gia đình nghèo. Khắc ghi lời Bác dạy “Một trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt”, ông luôn tâm niệm làm việc tốt từ cái tâm của mình, từ đó hằng năm, gia đình ông đóng góp trên 10 triệu đồng vào các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Cây mùa xuân”, quỹ “Học sinh nghèo hiếu học”. Đặc biệt, năm 2019 gia đình ông Hai Mưa tự nguyện đóng góp 30 triệu đồng cất mới 1 căn nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách của bà Lê Thị Phát - ngụ tại ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình. Đồng thời, ông còn dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động vận động đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương như: tham gia đoàn vận động Nhân dân đóng góp trên 100 triệu đồng đổ bê tông đường cua Dinh ấp Bình Thành và tuyến đường giao thông nội đồng Mương Khai ấp Bình Tây 1 và hỗ trợ cất nhà đại đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ bà con nghèo, khó khăn.            

Ngoài ra, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tự quản, ông Hai Mưa tích cực vận động mọi người hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” gắn với mô hình, phần việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gia đình ông luôn đi đầu, tiêu biểu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các tiêu chí gia đình văn hóa và được tặng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền ở địa phương; bên cạnh đó ông tích cực vận động mỗi gia đình chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng “nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau,… Những đóng góp của ông thời gian qua đã được chính quyền địa phương ghi nhận và biểu dương.           

Ông Trần Văn Mưa đã chứng minh việc học tập theo gương Bác, đó là ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm, kiên trì, nhẫn nại vượt lên khó khăn, thử thách để thực hiện được mục tiêu của mình như lời Bác dạy./.