Tại buổi đối thoại, người dân đã được thông tin các chính sách cho vay tín dụng ngân hàng, các chế độ hỗ trợ vay vốn, học nghề; các chính sách hỗ trợ sinh kế với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề thợ… Qua đối thoại, đa số các hộ có nhu cầu được hỗ trợ vốn thực hiện các mô hình sinh kế chăn nuôi bò, bó chổi, thuê đất trồng lúa, trồng rẩy, chạy xe honda đầu, mua bán nhỏ… để phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh, chính sách dạy nghề. Tham gia buổi đối thoại, chị Trần Thị Thảo, hộ cận nghèo ấp Hiệp Thạnh mong muốn: “Tôi đã học nghề bó chổi và có giấy chứng nhận học nghề, đã làm nghề bó chổi hơn 01 năm nay, với thu nhập cũng ổn, mà trông có số vốn để mua bông sậy bó chổi. Nhờ địa phương có hỗ trợ thoát nghèo thì mong hỗ trợ sớm để mua bông sậy về làm…” Tương tự, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hộ cận nghèo ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Xương cũng bày tỏ: “Công việc của tôi là đi làm mướn, đi giăng lưới, mò ốc, hái rau muống bán để nuôi cháu đi học. Mong được hỗ trợ cho tôi chiếc xe với xây nhà tiêu hợp vệ sinh, cần thiết nhất là mua được chiếc xe, dễ chạy xe đò, nó nhẹ nhàng với chở đồ dễ, chở nặng được. Hiện giờ tôi đang chạy chiếc xe cũ, chạy đi gần thì được chứ chạy xa không được…...” Những nhu cầu của người dân được các ngành chức năng trả lời, giải đáp, làm rõ. Đồng thời, mong muốn các hộ nghèo khi được hỗ trợ vốn thực hiện các mô hình sinh kế phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững./.