Bệnh tay chân miệng, là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Mỗi năm có 2 thời điểm chính phát dịch là các tháng 4,5,6 và 10, 11, 12. Đáng chú ý, hiện nay bệnh xảy ra quanh năm, nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Phụ huynh cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe các trẻ em trong mùa này.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Phú Tân. Trong tuần 47 (từ ngày 14/11 đến ngày 20/11/2024), toàn huyện ghi nhận 10 ca mắc tay chân miệng, tăng 3 ca so với tuần trước. Nâng tổng số ca mắc tay chân miệng của huyện từ đầu năm 2024 đến nay lên 109 ca. Trong đó, bệnh xảy ra nhiều nhất ở xã Hòa Lạc với 21 trường hợp, Bình Thạnh Đông 12 trường hợp, Phú Thành 11 trường hợp, Phú Hưng 8 trường hợp,v.v…Theo Bác sĩ CKI Võ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, bệnh phần lớn ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và thường gặp nhất ở trẻ 3 tuổi. Bênh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ mắc bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa vi rút gây bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-7 ngày với biểu hiện sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng.”
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Mặc dù hiện tại, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn huyện giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cho trẻ. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Trung tâm Y tế huyện bám sát công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế và UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng đến các Trạm Y tế xã, thị trấn. Chỉ đạo các Trạm Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ CKI Võ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường giám sát các cas bệnh tại cộng đồng, trong các cơ sở trường học, phòng khám tư nhân, kịp thời báo cáo về Trung tâm. Khi phát hiện cas bệnh, ổ dịch, trong vòng 24 giờ phải cử cán bộ trạm y tế đến nhà điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời. Cấp phát cloramin B, hướng dẫn người dân vệ sinh sát khuẩn, tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các khâu phòng chống dịch tại các trường học, tập trung chủ yếu các trường mầm non mẫu giáo. Đồng thời nhắc nhở các trường học cần chủ động các giải pháp phòng chống dịch, giám sát, khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng, dụng cụ học tập của trẻ đúng theo thông tư 46 của Bộ Giáo dục quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng bệnh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh.”
Tại các cơ sở giáo dục, khi có trẻ từ 2 tuổi trở lên trong lớp bị bệnh tay chân miệng trong vòng 7 ngày gọi là ổ dịch, phải cho lớp nghỉ từ 7-10 ngày và thực hiện tổng vệ sinh sát khuẩn lớp học bằng cloramin B hàng ngày trong vòng 7 ngày. Thông báo cho thầy, cô giáo hoặc người phụ trách y tế tại trường theo dõi hàng ngày, nhất là khi trẻ đến lớp có biểu hiện sốt, nốt loét miệng bỏng nước phải thông báo ngay cho gia đình, trạm y tế để kịp thời xử lý. Tại gia đình có trẻ bệnh, trẻ phải được cách ly và theo dõi tại nhà, phân và các chất thải của trẻ phải được khử trùng bằng cloramin B. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt, loét miệng, bỏng nước lập tức thông báo ngay cho trạm y tế xã, hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện theo dõi điều trị./.