Trong thời gian gần đây tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Phú Tân đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện trong trường học. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế, tính đến ngày 30/10/2024 đã có 109 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó cao nhất là Phú Bình 31 trường hợp; Bình Thạnh Đông 15 trường hợp; Hòa Lạc, Phú Mỹ 10 trường hợp...); 83 trường hợp mắc tay chân miệng (trong đó cao nhất là Hòa Lạc 17 trường hợp; Bình Thạnh Đông, Phú Thành 08 trường hợp...), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng và lan rộng rất cao do đang trong giai đoạn mùa nước lũ và thời tiết diễn biến phức tạp.
Huy động các lực lượng, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng.
Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẳn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh.
Đảm bảo nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để hiệu quả. Tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới tránh tình trạng quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu, điều trị; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; tiếp tục đảm bảo tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc... đặc biệt dịch truyền cao phân tử phục vụ cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng để có biện pháp chỉ đạo kịp và phù hợp, khắc phục những tồn tại, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông trong toàn ngành bằng nhiều hình thức thích hợp như: sinh hoạt trực tiếp dưới cờ, sinh hoạt lớp, phát tời rơi, tờ bướm hoặc tuyên truyền trên bảng màn hình led trước cổng trường học,... Cần quan tâm chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, xây dựng các cảnh quan khuôn viên trường thông thoáng; phối hợp với ngành Y tế thường xuyên phun xịt khử khuẩn, vệ sinh trường lớp; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, kịp thời liên lạc, thông tin khi có trẻ mắc bệnh.
Thực hiện nghiêm túc trong việc đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác trong công tác phòng, chống dịch tại các trường học như: phải có khu vực/bệ rửa tay, xà phòng, nước sinh hoạt, khăn lau, … cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học nếu có cas mắc bệnh tay chân miệng để trách lây nhiễm cho học sinh cả lớp; đối với lớp học có nhiều ca mắc thì cho cả lớp nghỉ học theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đồng thời phối hợp với ngành Y tế tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cho giáo viên, người chăm sóc trẻ trong trường học đặc biệt là các trường Mầm non, Mẫu giáo trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thanh chỉ đạo truyền thanh tuyến cơ sở tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu trong công tác phòng chống dịch.
Theo Công văn này, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh rộng rãi thông qua hệ thống đài truyền thanh, loa di động và trong hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội, … từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân của địa phương, phân công phụ trách địa bàn và nhiệm cụ thể của từng thành viên theo phương châm “sâu chuyên môn – sát địa bàn”.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng của huyện, UBND xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo duy trì hoạt động thực hiện diệt lăng quăng 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Chỉ đạo huy động các lực lượng, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương phối hợp với ngành y tế, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành thành viên trong công tác triển khai chiến dịch diệt lăng quăng đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt triệt để.
Cạnh đó, phối hợp với ngành y tế quản lý chặt chẽ các trường hợp bị mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đặc biệt là đối tượng học sinh cấp Tiểu học, Mẫu giáo và Mầm non; khuyến cáo và hướng dẫn phụ huynh học sinh không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đúng cách. Bố trí, hỗ trợ kinh phí thỏa đáng cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương đúng quy định./.