Tại hội nghị, các đại biểu được nghe triển khai kế hoạch thí điểm Học bạ số cấp tiểu học; một số yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đảm bảo điều kiện thực hiện thí điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp tiểu học bao gồm: phần mềm hệ thống, tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng. Cụ thể: tạo lập, cập nhật Học bạ số; quản lý và lưu trữ; sử dụng Học bạ số. Kết nối, trao đổi dữ liệu Học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đó, ngành bắt đầu triển khai thí điểm Học bạ số ở các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 năm học 2023-2024 tại 13/25 đơn vị trường tiểu học trong huyện. Tại chương trình, các đại biểu còn được nghe nhà mạng VNPT và Viettell giới thiệu về giải pháp Học bạ số, một số phương án kỹ thuật, giải pháp triển khai thực hiện. Đồng thời trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp để triển khai thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học khả thi, an toàn, hiệu quả. Sau hội nghị này, 13 đơn vị thực hiện thí điểm học bạ số sẽ chọn nhà mạng cung ứng dịch vụ cho đơn vị mình. Việc triển khai thí điểm hệ thống Học bạ số cấp tiểu học, nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số của học sinh, đáp ứng yêu cầu thay thế Học bạ giấy truyền thống trong thực hiện thủ tục hành chính có sử dụng Học bạ. Qua đó, giúp nhà trường tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ và tăng tính chuyên nghiệp; giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách và phụ huynh học sinh theo dõi và kiểm soát quá trình học của con tốt hơn. Đồng thời, làm cơ sở để triển khai Học bạ số thống nhất trên toàn quốc./.