Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng năm 2024.
Đối tượng thụ hưởng có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp.
Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng chính sách điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội để có sự nhận định đúng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, nhanh chóng trên địa bàn quản lý. Nâng cao năng lực cho cán bộ, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách trợ giúp xã hội và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Phú Tân sẽ thực hiện thí điểm tại thị trấn Phú Mỹ và thị trấn Chợ Vàm, sau khi sơ kết đánh giá thuận lợi, khó khăn tiếp tục nhân rộng thực hiện ở các địa bàn khác.
Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (theo Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội); hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn huyện.
Việc thực hiện chi trả chinh sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện được thực hiện thông qua hệ thống Bưu điện huyện (đơn vị cung cấp dịch vụ) qua 02 hình thức: Chi trả qua tài khoản nhận trợ cấp đối với đối tượng có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản; Chi trả bằng tiền mặt đến địa chỉ của các đối tượng thuộc các trường hợp đặc biệt như: Người cao tuổi, người khuyết tật không thể đi lại được, không sử dụng được điện thoại, không có người ủy quyền và trường hợp đặc biệt khác…
Mức phí chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện việc mở, duy trì tài khoản nhận trợ cấp (tài khoản ngân hàng/tài khoản số/ví điện tử,..) và thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 5.000 đồng/đối tượng/tháng (bao gồm phương thức chi trả không dùng tiền mặt và chi trả trực tiếp tại địa chỉ của đối tượng).
Theo Kế hoạch, Phú Tân thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về phương thức chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội; Thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt vào hệ thống phần mềm; Xây dựng phương án thanh toán và tăng cường mạng lưới chi trả.
Bên cạnh đó, mở tài khoản nhận trợ cấp cho các đối tượng đủ điều kiện và mong muốn chi trả qua tài khoản;Thực hiện chi trả cho đối tượng; tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Ngân hàng, Bưu điện huyện với Công an huyện và các đơn vị có liên quan để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chi trả không dùng tiền mặt.
Việc triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng không làm phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Quy trình chi trả phải bảo đảm đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, điều kiện ở địa phương.
Đối tượng thụ hưởng có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng có tài khoản và mong muốn chi trả trợ cấp qua tài khoản để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi./.