Tai nạn thương tích (TNTT) không chủ định là một sự cố rủi ro xảy ra bất ngờ do một tác nhân bên ngoài như: tai nạn giao thông, bỏng, điện giật, trượt ngã, đuối nước, ngộ độc, cây ngã đè ép, bị vùi lấp do sạt lỡ … gây nên các thương tích cho cơ thể về thể chất hay tinh thần mà chính nạn nhân không thể biết trước.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Tân, trong năm 2023 đã xảy ra 1.914 trường hợp TNTT; nguyên nhân TNTT là do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất 830 trường hợp (43%);… Nhóm tuổi mắc nhiều nhất là ở độ tuổi lao động (từ 20-60 tuổi, chiếm 60%) và trong các trường hợp mắc, số lượng nam bị thương tích chiếm 70%).
Các số liệu thống kê trên cho thấy tình trạng TNTT xảy ra mọi lúc, mọi nơi ở mọi độ tuổi cả nam lẫn nữ và đang ở mức độ báo động. Nó không chỉ tác hại đến sức khỏe, tính mạng đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và sự phồn vinh của đất nước.
Để tăng cường các hoạt động phòng chống TNTT nhằm tạo môi trường sống, làm việc, học tập lành mạnh, an toàn ở từng ngôi nhà, mái trường, nhà máy, xí nghiệp đến khóm ấp, làng xã để từng bước phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện Phú Tân có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn (CĐAT) góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội huyện nhà.
Theo đó, UBND huyện Phú Tân vừa ban hành Kế hoạch Xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích đến năm 2030, với các mục tiêu cụ thể: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTT huyện và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Giảm tỷ suất trẻ em bị TNTT đến năm 2025 xuống còn 1‰ và 0,7‰ vào năm 2030; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do TNTT đến năm 2025 xuống còn 0,05‰ và 0,04‰ vào năm 2030.
Giảm 10% trên tổng số trường hợp TNTT so với năm trước liền kề; Giảm 80% nguy cơ gây thương tích tại cộng đồng và xây dựng được các mô hình an toàn cho các nhóm nguy cơ cao tại cộng đồng; Có từ trên 50% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Ngôi nhà an toàn và có từ 60% hộ gia đình trong cộng đồng nhận thức được nguy cơ gây TNTT tại cộng đồng và tham gia tích cực dự phòng tai nạn, thương tích.
Trên 50% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn đến năm 2025 và 95% vào năm 2030; 100% trường học đã đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn được tổ chức rà soát, đánh giá lại sau mỗi 03 năm một lần.
Có từ 50% đến 70% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn CĐAT phòng, chống TNTT đến năm 2025 và phấn đấu đạt từ 90% đến 100% (18/18 xã, tt) vào năm 2030; có 90% các cơ sở lao động hay người quản lý, sử dụng lao động được tập huấn kiến thức, hiểu biết về pháp luật phòng chống TNTT và có triển khai áp dụng tại cơ sở lao động mình quản lý.
Có 100% các nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống TNTT tại các trạm y tế, cộng tác viên, nhân viên y tế khóm ấp và 100% nhân viên phụ trách y tế trường học tại các trường học và người lao động phụ trách công tác y tế tại các cơ sở lao động trên địa bàn huyện được tập huấn kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu.
Để đạt mục tiêu đề ra, Phú Tân tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội trong hoạt động xây dựng CĐAT, phòng chống TNTT và nâng cao hiểu biết pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT đặc biệt là những người ở độ tuổi lao động và các đối tượng thiếu khả năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ TNTT như trẻ em và người cao tuổi.
Đồng thời nâng cao năng lực phòng, chống TNTT cho các đối tượng chủ chốt trong công tác phòng, chống TNTT như: cán bộ y tế tại các cơ sở y tế, y tế trường học, chủ cơ sở lao động, người lao động được phân công làm công tác y tế tại các cơ sở lao động.
Bên cạnh đó, thành lập các điểm sơ cứu dựa vào cộng đồng và nâng cấp trang thiết bị, phương tiện thiết yếu cho các trạm sơ cứu tại cộng đồng; Tăng cường hệ thống giám sát, thống kê, báo cáo, phân tích số liệu TNTT và số liệu tử vong cộng đồng…/.
Nguồn: Kế hoạch số 2114/KH-UBND ngày 10/10/2024