Theo Sở Y tế tỉnh An Giang, trong thời gian qua công tác bảo vệ trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm triển khai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn trong việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang, nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em thực hiện đầy đủ Quyền của mình nhằm góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho mỗi trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó 03 tháng đầu năm 2025 theo báo cáo của ngành Y tế cấp huyện, toàn tỉnh đã xảy ra 04 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại (trong đó có 02 trẻ em đã tử vong).
Niêm yết số điện thoại đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người (miễn phí): 18008077, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111.
Nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, ngày 04-4, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng tránh xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 về việc ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh An Giang.
Đồng thời triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ: Phòng Ngừa - Can Thiệp - Hỗ Trợ trẻ em tại cơ sở; ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã nhằm nắm bắt tình hình trong việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn cấp xã, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người thân liên quan đến tệ nạn xã hội.
Sở Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị phòng, ban cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân về phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến các trường học, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư với nhiều hình thức phong phú.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong các khu nhà trọ cho chủ nhà trọ, người thuê nhà trọ về dấu hiệu nhận biết đối tượng có khả năng xâm hại trẻ em; kỹ năng làm cha mẹ; kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em .... Thực hiện quảng bá, niêm yết số điện thoại đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người (miễn phí): 18008077, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật và phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại từng địa bàn cơ sở.
Thực hiện kịp thời việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Xử lý nặng theo quy định của pháp luật các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em./.
Nguồn: Công văn số 994/SYT-DS&TE ngày 4/4/2025