Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Hiện nay, đang vào năm học mới, học sinh các cấp trở lại trường học, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, các trường học trên địa bàn huyện Phú Tân, đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là ở bậc học Mầm non, Mẫu giáo và Tiểu học, giúp các em học sinh có sức khỏe tốt, tạo môi trường học tập an toàn.
Mỗi khi năm học mới bắt đầu. Vấn đề dịch bệnh, luôn là mối lo thường trực đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đây là những căn bệnh phổ biến, dễ bùng phát trong môi trường học đường với số lượng học sinh đông, nhiều tiếp xúc. Cùng với đó, trẻ bậc học Mầm non, Mẫu giáo và Tiểu học còn nhỏ, khả năng tự bảo vệ bản thân hạn chế.
Chị Lâm Thị Phương Thảo, phụ huynh bé học lớp mầm tại Trường Mẫu giáo Phú Thạnh chia sẻ: “Mỗi khi năm học mới bắt đầu, chúng tôi luôn lo lắng về tình hình dịch bệnh, bởi trẻ còn nhỏ, sức đề kháng yếu. Khi đưa con đến trường được giáo viên tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh cho trẻ. Cùng với đó, về nhà tôi cũng thường xuyên vệ sinh, rửa tay cho con trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ được đến trường học tập tốt.”
Ông Nguyễn Văn Y, xã Phú Thọ chia sẻ thêm: “Tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi thấy bệnh nào cũng nguy hiểm. Bởi vậy, qua thông tin tuyên truyền trên báo đài, nhà trường tôi cũng chủ động phòng bệnh cho cháu mình. Tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế như: nhắc cháu thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người, cho cháu ngủ mùng phòng muỗi đốt,v.v..Khi thấy cháu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.”
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Vào đầu năm học mới, bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên môn, Trường Mẫu giáo Phú Thạnh, huyện Phú Tân đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi hiện nay, tạo môi trường học tập an toàn cho hơn 346 cháu ở 12 lớp mầm, chồi, lá.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Thạnh cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường. Phân công giáo viên tổng vệ sinh trường lớp học đầu năm học, trước giờ đón trẻ, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc của trẻ, rửa đồ chơi bằng Cloramin B,v.v..Bên cạnh, nhà trường còn phối hợp với trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ. Qua đó, trạm y tế phát tranh dán trên bảng gốc lớp, gốc tuyên truyền trước cổng trường; phát Cloramin B lau lớp học,v.v..”
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường Mẫu giáo Phú Thạnh cho biết: “Chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới, tôi trang trí, dọn vệ sinh, lau lớp học, rửa đồ chơi,v.v.. để phòng chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, bạch hầu cho trẻ đến trường đầu năm học. Kết hợp tuyên truyền trên nhóm zalo lớp, họp phụ huynh, để hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ. Trong giảng dạy, tôi thường xuyên lồng ghép các nội dung phòng bệnh, hướng dẫn trẻ 6 bước rửa tay,v.v…”
Cùng với trẻ mầm non, mẫu giáo. Học sinh Tiểu học cũng là đối tượng dễ bị bệnh, do sức đề kháng kém, trong những ngày đầu tựu trường chưa kịp làm quen với môi trường mới, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, vui chơi bị đảo lộn. Các trường tiểu học củng chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh khi bước vào năm học mới.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ thông tin: “Trường đã triển khai các buổi tổng vệ sinh và trang bị thêm các bình nước lọc ở mọi phòng học để học sinh có thể sử dụng dễ dàng. Những bệ rửa tay đều có khăn và xà phồng riêng. Khuyến cáo học sinh tự trang bị ca, ly uống nước mang đến trường riêng. Ngoài ra, nhà trường còn yêu cầu giáo viên thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nắm tình hình dịch bệnh để kết hợp cùng nhà trường quan tâm, chăm lo phòng bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em.”
Thầy Lê Phước Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, tôi thường xuyên tuyên truyền các em học sinh phòng các loại dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh sởi, bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết,v.v.. Nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên để phòng bệnh tốt nhất.”
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong năm học mới. Ngay từ đầu tháng 8, lồng ghép với các hoạt động thực hiện tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động triển khai các giải pháp, trong đó vệ sinh trường lớp sạch sẽ, thông thoáng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú. Tăng cường tuyên truyền trên các nhóm Zalo lớp, hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, ngành còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện phun xịt hóa chất; tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Chỉ đạo giáo viên theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ mẫu giáo, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, để thông báo cho cơ sở y tế phối hợp xử lý.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đầu năm học, là một nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ đối với các trường học, mà còn đối với toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình. Phụ huynh quan tâm đến sức khỏe của con em mình, thường xuyên kiểm tra, theo dõi và trang bị cho các em khẩu trang, nước rửa tay khi đến trường. Nhờ sự nỗ lực của thầy cô giáo, nhân viên y tế và sự hợp tác của các bậc phụ huynh, môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh sẽ được đảm bảo. Sự cảnh giác và ý thức trách nhiệm từ mỗi cá nhân, chính là yếu tố then chốt, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong giai đoạn đầu năm học./.