THANH NIÊN “XỨ NẾP” KHỞI NGHIỆP XANH

Cuộc thi năm nay là lần thứ 3 bạn Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (Xã đoàn Phú Hưng, huyện Phú Tân) tham gia. Qua mỗi năm, lắng nghe góp ý từ hội đồng, cô nàng “9X” đã thể hiện tinh thần cầu thị và không ngừng cải tiến cho mô hình của mình. Từ sản xuất nấm rơm trồng trong nhà kính đơn thuần, Yến đã mở rộng trang trại, tận dụng sản xuất thêm dưa lưới, đặc biệt là sáng tạo ra bánh phồng nấm rơm. “Em được tham gia nhiều chuyến đi thực tế ở các tỉnh để bồi đắp kinh nghiệm về kỹ thuật trồng nấm. Qua đó, phát hiện các nơi khác sản xuất bánh phồng cá, bánh phồng làm từ các loại củ, quả… nhưng tận dụng nguyên liệu nấm rơm thì chưa từng có. Băn khoăn đó thôi thúc em nghiên cứu làm thử, sản phẩm không chỉ đáp ứng thêm lựa chọn cho người ăn chay, mà còn giúp chế biến sâu nguyên liệu nấm rơm, bên cạnh hình thức thu hoạch bán tươi hiện nay” - Ngọc Yến chia sẻ. Ý tưởng bánh phồng nấm rơm của Yến được hội đồng đánh giá cao ở tính sáng tạo, mới lạ, chưa từng có trên thị trường và đã xuất sắc giành giải nhất. Đại diện cho huyện Phú Tân ở cuộc thi này, ý tưởng của các đoàn viên còn lại đều là mô hình, sản phẩm thân thiện, như: Trồng chanh bông tím kết hợp nuôi cá, tái chế bọc và chai nhựa làm tranh trang trí, nuôi heo rừng lai theo mô hình khép kín, trồng cà chua bi luân canh dưa lưới chất lượng cao trong nhà màng. Chủ nhân của các dự án ý tưởng đồng thời là những cán bộ Đoàn, tiên phong và kiên trì theo cuộc thi qua các năm. Điển hình như bạn Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị (Xã đoàn Bình Thạnh Đông), đồng hành cùng cuộc thi liên tục 7 năm, có 5 lần lọt vào vòng thi cấp tỉnh, 2 lần đạt giải ba. Thủ lĩnh Đoàn thuộc thế hệ “9X” quyết tâm nghiên cứu các ý tưởng mới gắn với sản xuất xanh, bởi nhận thấy cuộc sống càng hiện đại, vấn đề sức khỏe con người càng được đặt lên hàng đầu. Tương tự, bạn Nguyễn Tuấn Kiệt (Xã đoàn Phú Thọ) qua 4 mùa liên tiếp tham gia cuộc thi đã đạt được kết quả với các sản phẩm: Bột rau má sấy, cao bí đao, cao ong đinh lăng, chế phẩm thuốc sâu sinh học. Với kiến thức trong lĩnh vực đông y, Kiệt mong muốn tạo thêm sản phẩm mới phục vụ người dân cải thiện sức khỏe theo hướng an toàn, lành tính. Năm 2023, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, Huyện đoàn Phú Tân đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức chương trình “Ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Hơn 100 đoàn viên, hội viên, học sinh được tham gia chuỗi hoạt động hấp dẫn, như: Giới thiệu về khởi nghiệp, 5 cấp độ sáng tạo, kỹ năng lập kế hoạch dự án khởi nghiệp, những lưu ý khi khởi nghiệp. Thực hiện kế hoạch “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2023”, Huyện đoàn phối hợp Tỉnh đoàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 120 thanh niên nông thôn tại xã Hòa Lạc và Tân Hòa. Qua đó đoàn viên, thanh niên được tìm hiểu về các chính sách thu hút lao động trẻ tham gia làm việc tại hợp tác xã; học tập sản xuất theo chuỗi giá trị; cập nhật các giải pháp kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào canh tác lúa, nếp theo hướng hiện đại và bền vững; cách tiếp cận sàn thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản trong thời đại số... Đoàn viên, thanh niên đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề kỹ thuật trồng lúa nếp, rau màu, cây ăn trái, trong chăn nuôi và thủy sản theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho biết, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn duy trì hoạt động 18 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, hỗ trợ 18 thanh niên thoát nghèo bền vững với các hình thức giới thiệu học nghề, việc làm, hỗ trợ vốn. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 23 buổi tư vấn nghề nghiệp cho 4.160 thanh niên, học sinh; giới thiệu việc làm cho hơn 1.940 thanh niên đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn Thanh niên quản lý hơn 96 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên được quảng bá, giới thiệu qua các sự kiện: Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tỉnh.