TỔNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, THỦY SẢN CỦA PHÚ TÂN NĂM 2023 ĐẠT GẦN 6.000 TỶ ĐỒNG, TĂNG 2,25% Theo UBND huyện Phú Tân, năm 2023 tổng giá trị sản xuất (Giá SS2010) của huyện đạt trên 14.136 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 6,78%, so kế hoạch đạt trên 103%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản đạt hơn 5.900 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 2,25%, so kế hoạch đạt 101,06%.
Tổng sản lượng lúa, nếp của Phú Tân cả năm đạt trên 387.910 tấn. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng cả năm trên 61.723 ha (giảm 1.080 ha so cùng kỳ), trong đó lúa, nếp chiếm 57.886 ha. Năng suất lúa, nếp bình quân cả năm đạt 6,6 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 387.910 tấn. Cây màu tiếp tục chuyển biến theo hướng cây có giá trị kinh tế ổn định. Tổng diện tích gieo trồng màu hơn 3.837 ha (tăng 793,82 ha so cùng kỳ), với các loại cây màu chủ yếu như bắp trắng, rau dưa, ớt, đậu xanh, khoai cao, đậu nành rau ... Hiện toàn huyện có 07 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao; đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại 03 sản phẩm (chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị, rượu dâu tằm) của 2 chủ thể sản xuất là Công ty TNHH MTV Chế biến thuỷ hải sản Thanh Tùng – xã Phú Bình và hộ kinh doanh Ngọc Thái - xã Phú Hưng. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Toàn huyện chuyển đổi được 66,71 ha sang trồng cây ăn trái, luỹ kế 796,74 ha, đã cho thu hoạch diện tích 559,61 ha, tổng sản lượng ước đạt 8.404,21 tấn (tăng 1.513,85 tấn so cùng kỳ). Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi và ứng dụng công nghệ cao đưa vào sử dụng, 04 xã Bình Thạnh Đông, Chợ Vàm, Tân Trung, Phú Long có vùng chuyên canh được đầu tư đang tập trung vận động người dân trong vùng chuyên canh thực hiện chuyển đổi. Trong năm 2023, xây dựng mới 03 nhà màng, diện tích 2.500m2, toàn huyện có 12 nhà màng với tổng diện tích 11.500 m2, trong đó có 11 nhà màng trồng dưa lưới, 01 nhà màng nhân giống rau màu đang hoạt động sản xuất; 23 nhà trồng nấm với diện tích 2.129 m2, gồm 14 nhà trồng nấm rơm với diện tích 720 m2 và 09 nhà trồng nấm bào ngư với diện tích 1.409 m2. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã hỗ trợ trong năm 2023 là 38 mô hình, kinh phí 2,8 tỷ đồng, luỹ kế 161 mô hình, trong đó trồng trọt 115 mô hình, chăn nuôi thuỷ sản 46 mô hình, tổng kinh phí 11,41 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 355,9 ha thủy sản đang nuôi, sản lượng thu hoạch 40.500 tấn, tăng 1.000 tấn so kế hoạch và tăng 1.800 tấn so cùng kỳ. Hoạt động chăn nuôi - thủy sản ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Toàn huyện có 858.630 con gia súc, gia cầm các loại và cung cấp ra thị trường khoảng 5.320 tấn thịt và 40.000.000 trứng gia cầm; hiện có 355,9 ha thủy sản đang nuôi, sản lượng thu hoạch 40.500 tấn, tăng 1.000 tấn so kế hoạch và tăng 1.800 tấn so cùng kỳ… Đạt được kết quả trên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND huyện, nên tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực. Trên lĩnh vực nông nghiệp, giá lúa nếp ở mức cao, năng suất đảm bảo, hoạt động sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả, đời sống của người dân ổn định… Theo đó năm 2024, Phú Tân đặt ra chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất của khu vực nông nghiệp - Thủy sản là 6.029,100 tỷ đồng. Để đạt chỉ tiêu đề ra, Phú Tân đẩy mạnh chuyển dịch nội ngành nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn liên kết sản xuất tiêu thụ để tạo giá trị mới. Quan tâm sản xuất lúa, nếp theo tiêu chuẩn EU và Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đồng thời tăng cường chỉ đạo bảo vệ sản xuất hiệu quả, đúng lịch thời vụ, chú trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo nhu cầu thị trường; tiếp tục quan tâm chuyển đổi trồng cây ăn trái phù hợp quy hoạch và theo dõi việc vay vốn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái; thực hiện tốt việc vận động để triển khai đầu tư các vùng dự án chuyển đổi được tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp gắn mở rộng diện tích vùng nuôi cá tra; tranh thủ thị trường tiềm năng Campuchia, duy trì và phát triển mạnh các đối tượng nuôi khác (cá lóc, cá trê, cá he, điêu hồng, cá trê vàng ...); tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh triển khai dự án đầu tư hạ tầng phục vụ vùng nuôi cá Nàng Hai thương phẩm Hoà Lạc, Phú Bình. Duy trì và phát triển các mô hình sản xuất phục vụ nông thôn mới; theo dõi, khuyến cáo phòng, chống kịp thời dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; triển khai các mô hình sinh kế nông nghiệp, đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn. Tập trung cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có, trong đó, quan tâm đầu tư hệ thống công trình thủy lợi phục vụ các vùng chuyển đổi cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Thực hiện tốt kế hoạch phòng chống hạn mùa khô, phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão; gắn việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai với bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 06-CT/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang và kế hoạch triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)..../.