Xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo,  huy động được nhiều nguồn lực xã hội chung tay cùng địa phương xây dựng mới nhiều cây cầu nông thôn kiên cố, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông.

 

(Khởi công xây dựng cầu kênh Phú Hiệp, xã Phú Xuân, và Mạnh thường quân đóng góp 500 triệu đồng)

Nhằm chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Từ tháng 12/2024 đến nay, từ nguồn vốn xã hội hóa 8,2 tỷ đồng, các địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân khởi công xây dựng 04 cầu bêtông, trong số đó, các cây cầu nằm ở vị trí quan trọng, kết nối nhiều ấp, có lưu lượng phương tiện, học sinh qua lại và vận chuyển hàng hóa đông. Cụ thể mới đây xã Phú Bình, huyện Phú Tân tiến hành khởi công dựng cầu kênh Xáng Phú Bình, nối liền 02 ấp Bình Phú 01 và Bình Phú 02, cầu có chiều dài 36m, rộng 5m, tải trọng 08 tấn, trị giá khoảng 2 tỷ 800 triệu đồng, công trình do Tổ xây dựng cầu đường xã Phú Bình phụ trách thi công…Ông Nguyễn Lê Hoàng Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Bình, huyện Phú Tân cho biết: “Thực hiện công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, xã Phú Bình đăng ký vận động nhân dân thực hiện công trình xây dựng cầu kênh Xáng Phú Bình, qua đó được người dân đồng tình ủng hộ, tại buổi lễ khởi công địa phương tiếp nhận nguồn lực trên 01 tỷ 100 triệu đồng, dự kiến thi công trong vòng 90 ngày, phải nói rằng khi phát động nhiều mạnh thường quân tham gia đóng góp rất nhiệt tình, có người thì đóng góp 50, 100 nghìn, có người đóng góp khoảng 200 triệu đồng,…”.

 

(Khởi công xây dựng cầu kênh Xáng Phú Bình)

Anh Nguyễn Văn Vũ, xã Phú Bình, huyện Phú Tân cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Bình này, khi nghe địa phương vận động kinh phí làm cây cầu kênh Xáng Phú Bình, thì tôi bàn với gia đình hỗ trợ 100 triệu đồng, nhằm giúp địa phương sớm thực hiện hoàn thành cây cầu này, để cho bà con đi lại thuận tiện,…”.

(Cầu ranh Phú Thạnh – Phú Thành, cầu An Thùy số 5 vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con nhân dân 02 xã)

Với đặc thù của địa phương có nhiều kênh, rạch tự nhiên, nhiều cầu ván nhỏ hẹp hiện nay xuống cấp hoặc hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, hai xã Phú Thạnh và Phú Thành tuyên truyền vận động người dân tiến hành xây dựng cầu ranh Phú Thạnh – Phú Thành, Cầu An Thùy số 05, nối liền 02 ấp là ấp Gò Ba Gia, xã Phú Thạnh và ấp Phú Quới, xã Phú Thành, cầu có chiều dài 30m, rộng 4m, tải trọng thiết kế 8 tấn, mặt cầu được đổ bê tông và láng nhựa, tổng kinh phí xây dựng khoảng 01 tỷ 700 triệu đồng, do các Mạnh thường quân trong, ngoài xã đóng góp…Bà Đỗ Thị Cẩm Nhi, Chủ tịch UBMTTQ VN xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân cho biết: “Trong qua trình triển khai thi công xây dựng cây cầu này, thì 02 địa phương tiến hành ra dân để lấy ý kiến thì được người dân đồng tình ủng hộ đóng góp tiền, ngày công lao động. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các Mạnh thường quân từ Thành phố Hồ Chí Minh,…, qua đây, đại diện cho địa phương tôi xin ghi nhận những tấm lòng vàng của các Mạnh thường quân, góp phần cùng địa phương xã hóa các cây cầu nông thôn…”.

Với phương châm công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc đóng góp và sử dụng kinh phí, nên từ chổ đó mà được nhiều người đồng tình ủng hộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí xây dựng cầu, hầu hết ngày công lao động đều do các Tổ, Đội thi công tình nguyện trong và ngoài huyện và người dân địa phương hợp sức đóng góp…Ông Phan Văn Guôl, xã Phú Thành, huyện Phú Tân cho biết: “Mỗi lần đi hỗ trợ các địa phương xây dựng các cây cầu, thì anh em chúng tôi rủ nhau đi rất đông, kinh tế gia đình thì nhiều thành phần: người giàu cũng có, người nghèo cũng có, nhưng trước khi đi làm thì bản thân họ lo gia đình trước rồi mới đi; không chỉ tham gia làm cầu, mà họ còn tham gia làm đường, cất nhà… nói chung là địa phương cần thì anh em chúng tôi sẵn sàn tiếp tay,…”.

Anh Hồ Văn Hòa, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân cho biết: “Tôi thì làm nghề phụ hồ, hàng ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn phụ giúp gia đình đủ sống, khi nghe anh em rủ đi phụ giúp đổ pê tông xây dựng cây cầu nối liền 02 xã Phú Thành – Phú Thạnh, cầu An Thùy số 05 này thi tôi sẵn sàn tham gia, để phục vụ cho bà con vận chuyển nông sản, mình còn sức giúp cho địa phương được cái gì thì mình giúp, …”.

Có thể thấy, việc dựa vào sức dân, chăm lo cho dân của các địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân đã tô điểm thêm nét đẹp cho tình đoàn kết, gắn bó của người dân, đồng thời, chung sức cùng xóa cầu tạm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…

Tác giả
Cao Thắng