Xây dựng nông thôn mới, Phú Tân khởi sắc

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tuy diện mạo nông thôn của Phú Tân (An Giang) có khởi sắc, nhưng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; môi trường nông thôn của Phú Tân chưa có sự thay đổi rõ nét... ít nhiều đã ảnh hưởng phát triển kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện… trên địa bàn huyện chưa hoàn thiện, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao chưa phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn thiếu thốn. 

Xây dựng nông thôn mới, Phú Tân khởi sắc

Diện mạo nông thôn của Phú Tân ngày càng khởi sắc.

Từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, huyện Phú Tân đã và đang phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Sự đổi thay ngày càng rõ nét hơn. Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, đến nay Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Tân đã đạt được những bước tiến quan trọng. 

Tính từ lúc thực hiện xây dựng Nông thôn mới cho đến nay, hiện huyện Phú Tân có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Phú Bình, Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Hiệp Xương, Tân Hoà, Phú Thọ, Phú Thạnh, Phú Lâm và Tân Trung. Trong đó có 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao là Phú Bình và Phú Lâm.

Qua gần 14 năm triển khai chương trình NTM, Phú Tân đã tạo việc làm cho hơn trên 45.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Tính riêng 09 tháng đầu năm 2024 có khoảng 3.168 người trong tuổi lao động có việc làm mới, đạt 105% kế hoạch, trong đó lao động trong tuổi thanh niên có việc làm là khoảng 2.076 người (nữ 925 người, chiếm 44,1%). Đồng thời đến nay đã đưa 108 lao động (67 nữ) tham gia đề án xuất khẩu lao động (40 lao động đang học và 68 lao động đã xuất cảnh gồm Nhật Bản 50, Đài Loan 16, Hàn Quốc 01, Saudi Arabia 01), đạt 170% Kế hoạch.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng trên 70 triệu đồng (năm 2011 khoảng 23 triệu đồng). Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023, toàn huyện có 1.458 hộ nghèo với 4.202 nhân khẩu và 3.036 hộ cận nghèo với 10.118 nhân khẩu. Đến nay hộ nghèo giảm 0,5% so tỷ lệ 2023; 9 tháng đầu năm 2024 giảm 0,53%, so kế hoạch đạt 106%. Hộ cận nghèo giảm 1,5 so tỷ lệ 2023; 9 tháng đầu năm 2024 giảm 1,58%, đạt trên 105% so kế hoạch. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 99%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85,8%...

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện có 11 sản phẩm được công nhận đạt “sản phẩm OCOP” 3 sao, gồm: Rượu dâu tằm, Nước cốt dâu tầm và Siro Atiso của Công ty TNHH Dâu tầm Ngọc Thái – Phú Hưng; chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị và lạp xưởng cá thát lát của Công ty TNHH MTV Chế biến Thuỷ sản Thanh Tùng – Phú Bình; Kem trái cây vị sầu riêng của hộ kinh doanh Gia Định – Phú Lâm; Cà na xí muội của Hộ kinh doanh Nguyễn Trung; Bánh ngũ cốc dinh dưỡng của Công ty TNHH MTV Đặng Kim Thành – Phú Mỹ; Dưa lưới của Tổ hợp tác dưa lưới công nghệ cao - Bình Thạnh Đông và Bưởi Da xanh của Hộ kinh doanh bưởi da xanh Phú Hộ - Bình Thạnh Đông. Theo đánh giá, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Phú Tân còn xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học- kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, nhờ đó công tác này đi vào chiều sâu, nội dung thiết thực đáp ứng kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Trong giai đoạn 2021-2023, Phú Tân đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên 317,9 tỷ đồng, trong đó vốn huy động Nhân dân và doanh nghiệp hơn 59 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn đóng góp khoảng 697 ngày công lao động và hiến hơn 19.800 m2 đất để thực hiện các công trình phục vụ xây dựng Nông thôn mới. 

Theo đó, Phú Tân phấn đấu đến năm 2025: Xã Long Hoà đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”, nâng lên 10/16 xã (đạt tỷ lệ 62,5%). Xã Hiệp Xương đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”, nâng lên 03/10 xã (đạt tỷ lệ 30%). Các xã còn lại đạt từ 10 – 14 tiêu chí (xã Phú Long đạt 10 tiêu chí, 42 chỉ tiêu; Phú Xuân 11 tiêu chí, 43 chỉ tiêu, Phú Hiệp, Phú An đạt 11 tiêu chí 44 chỉ tiêu; Hoà Lạc 15 tiêu chí, 48 chỉ tiêu; Phú Thành 14 tiêu chí, 47 chỉ tiêu). Phấn đấu đến năm 2030, huyện Phú Tân đạt chuẩn huyện NTM.

 

Xây dựng nông thôn mới, Phú Tân khởi sắc

Biểu dương cá nhân hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Đạt được kết quả như hôm nay, nhờ sự quán triệt đầy đủ nội dung Bộ tiêu chí nông thôn mới trong hệ thống chính trị và triển khai rộng rãi trong nhân dân, để người dân hiểu được ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm chủ thể của mình, chung tay cùng với Đảng, chính quyền xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng tốt đẹp hơn.

Để đạt mục tiêu đề ra, Phú Tân sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM theo chiều sâu, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng và xã hội.Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tam nông, tái cơ cấu nông nghiệp, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao...), tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, hướng đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa ngành huyện, sở ngành tỉnh và địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các xã trong thực hiện, chú trọng các xã trong lộ trình, duy trì nâng chất các xã đã đạt chuẩn. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng các mô hình cảnh quan không gian sáng – xanh - sạch - đẹp, mô hình thu gom rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật ...

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực; tăng cường các hoạt động vận động xã hội hóa các nguồn lực từ Mạnh Thường Quân, nông dân, Doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện Chương trình. Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại hình hợp tác, tiền đề để xây dựng các chuỗi liên kết bền vững.

Cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động cả hệ thống chính trị và cộng đồng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng đổi mới tư duy, cách làm; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết tâm mạnh mẽ trong xây dựng NTM. Tăng cường đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn mới; tiếp tục duy trì, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Việc xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng nông thôn của huyện nhà ngày càng hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần cải thiện nâng cao giá trị cuộc sống về tinh thần và vật chất của người dân./.

Tác giả
Hải Nhu