Bánh phồng Phú Mỹ - Nghề truyền thống giữa thời hiện đại

             Trải qua nhiều thế hệ, nghề làm bánh phồng Phú Mỹ (khóm Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là biểu tượng văn hóa của vùng đất An Giang.

                Hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại

                Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, gắn liền với cuộc sống của người dân địa phương. Hiện, làng nghề có 15 hộ gia đình tham gia sản xuất. Mỗi năm, làng nghề sản xuất khoảng 250 tấn bánh phồng, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

               Một trong những điểm nổi bật của làng nghề bánh phồng Phú Mỹ là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Tâm, một nghệ nhân có gần 50 năm kinh nghiệm làm bánh, chia sẻ: "Gia đình tôi làm bánh từ năm 1978, con cháu học nghề, rồi mở lò riêng, giờ cả nhà đều theo nghề này”. Dù máy móc đã hỗ trợ phần nào trong việc sản xuất, nhưng các công đoạn quan trọng như xôi nếp và phơi bánh vẫn được làm thủ công để đảm bảo chất lượng và hương vị truyền thống".

              Người dân Phú Mỹ luôn chọn nếp "rặt" (loại nếp thuần chủng), không pha trộn để giữ trọn hương vị thơm ngon. Sau khi nếp được ngâm 3 ngày, sau đó thực hiện các công đoạn: Rút nếp, nấu xôi, quết nhuyễn, cán mỏng thành bánh và phơi nắng. Sau đó, bánh được áo đường và phơi khô thêm một lần nữa để tạo nên chiếc bánh giòn, xốp và ngon ngọt đặc trưng. Chị Lê Thị Thùy Trang, con dâu của ông Tâm, cho biết: "Bánh ngon nhất là khi được phơi nắng tự nhiên. Nếu dùng lò sấy, bánh sẽ không phồng đẹp và không xốp như phơi ngoài trời”.

              Mặc cho thời gian thay đổi, người dân Phú Mỹ vẫn kiên quyết giữ lại các công đoạn thủ công để đảm bảo bánh phồng luôn đạt chất lượng cao nhất. Sự hỗ trợ của máy móc như máy quết nếp và máy cán bánh đã giúp giảm bớt sức lao động, nhưng không làm mất đi "hồn cốt" của nghề.

             Trong những ngày nắng đẹp, gia đình ông Tâm có thể làm 2.000 - 3.000 chiếc bánh. Nhờ kết hợp hài hòa giữa thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ không chỉ duy trì sản lượng ổn định, mà còn tiếp tục giữ được giá trị văn hóa quý báu qua nhiều thế hệ.

               Thách thức và tiềm năng phát triển

              Dù phát triển ổn định, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ vẫn đang đối mặt với những khó khăn, nhất là thời tiết. Mỗi năm có khoảng 3 tháng mưa liên tục gây trở ngại lớn cho việc phơi bánh, làm giảm sản lượng và thiệt hại tài chính của nhiều hộ gia đình. "Khi mưa kéo dài, bánh không thể phơi được, có đợt nhà tôi mất 3 triệu đồng vì bánh hư” - ông Tâm chia sẻ. Thời tiết mưa nhiều khiến bánh không đạt được chất lượng tốt nhất, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

              Bên cạnh đó, vấn đề không gian phơi bánh cũng là khó khăn lớn. Chị Huỳnh Thị Huỳnh Như, Trưởng ban Nhân dân khóm Thượng 3, cho biết: "Bà con không có không gian đủ, nên buộc phải phơi bánh ra lề đường. Chúng tôi mong chính quyền sớm hỗ trợ một khu vực phơi bánh tập trung để giải quyết vấn đề này”.

              Chính quyền địa phương đã nhận thấy những khó khăn và đang xúc tiến kế hoạch hỗ trợ phát triển bền vững cho làng nghề. Một trong những giải pháp tiềm năng là thành lập hợp tác xã, giúp các hộ dân hợp nhất sản xuất, nhận hỗ trợ vốn và trang bị máy móc hiện đại. Tuy nhiên, việc thành lập hợp tác xã đang gặp khó, do các hộ gia đình đều muốn giữ công thức riêng và thị trường tiêu thụ riêng, khiến việc thống nhất trở nên... phức tạp!

               Chị Trương Thị Giàu, một lao động trẻ trong làng nghề, tâm sự: "Tôi mong nghề này phát triển ổn định để có thể yên tâm làm ăn”. Kỳ vọng của thế hệ trẻ không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nghề truyền thống, mà còn hướng đến sự cải tiến và mở rộng. Hợp tác xã chính là giải pháp dài hạn để giúp làng nghề vươn lên và mở rộng sản xuất, nhưng điều này cần sự đoàn kết của bà con và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền.

               Hiện, bánh phồng Phú Mỹ chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Với sự hỗ trợ về hạ tầng, phát triển kênh phân phối và ứng dụng công nghệ hiện đại, làng nghề có tiềm năng mở rộng thị trường ra các địa phương khác và vươn xa hơn trong tương lai.                                                      

Tác giả
T-H (theo Báo AG)