Phú Tân nằm trên cù lao Kết giống hình con Quy giữa hai con sông lớn, đó là sông Tiền và sông Hậu, là một trong 04 huyện cù lao của tỉnh An Giang thuộc vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, nhất là cây nếp và nuôi trồng thủy sản (đất trồng trọt hơn 24.000 ha). Ngoài ra, trên địa bàn huyện đường bộ có tuyến tỉnh lộ 954 chạy qua; đường thủy tiếp giáp với 03 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với tổng diện tích tự nhiên là 313,5 km2, địa giới hành chính của huyện được xác định:
+ Phía Bắc giáp thị xã Tân Châu;
+ Phía Nam giáp huyện Chợ Mới (ngăn cách bởi sông Vàm Nao);
+ Phía Tây giáp huyện Châu Phú, thị xã Châu Đốc (ngăn cách bởi sông Hậu);
+ Phía Đông giáp huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi sông Tiền và sông Cái Vừng);
Về phân chia đơn vị hành chính, huyện có 02 thị trấn: Thị trấn Phú Mỹ, thị trấn Chợ Vàm và 16 xã, gồm: Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú An, Phú Thọ, Tân Trung, Tân Hòa, Phú Hưng, Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Hòa Lạc, Phú Hiệp, Phú Long, Phú Thành, Phú Xuân và Hiệp Xương.
Nhân dân Phú Tân có truyền thống kiên cường trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; cần cù lao động và khả năng tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo các thành tựu khoa học, kỷ thuật và công nghệ; về làng nghề truyền thống, cho đến nay địa phương vẫn còn gìn giữ và phát triển như: nghề rèn Phú Mỹ, nghề làm bánh phồng Phú Mỹ và nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ Phú Bình. Toàn huyện có 53.736 hộ với 208.005 dân, thành phần dân cư với 99,6% dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Khơ-me, Hoa và dân tộc Chăm. Người dân huyện Phú Tân phần đông theo tín ngưỡng đạo Phật giáo Hòa Hảo (chiếm 85% dân số) và các tôn giáo khác như: Phật giáo, Tin Lành, Thiên Chúa, Cao Đài, Hồi giáo, … Trên địa bàn huyện có 01 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh là Đình Bình Thạnh Đông và 01 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh là Thánh thất Cao Đài Phú Lâm, 03 cây Bằng lăng nước thuộc Miễu Bằng Lăng đạt cây di sản Việt Nam. Bên cạnh đó, huyện còn có rất nhiều Chùa, Đình, Miếu, hàng năm đến những ngày lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân huyện Phú Tân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất. Đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội – an ninh – quốc phòng, cùng với tỉnh nhà vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Nguồn: Ban biên tập Website