Theo UBND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 01 khu kinh tế cửa khẩu; 02 khu công nghiệp và 09 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong đó: 02/02 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào sử dụng, 09/09 cụm công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp có phát sinh nước thải đều đã xây dựng hệ thống xử lý riêng và cam kết xử lý đạt quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường. Khu xử lý chất thải rắn Phú Thạnh, huyện Phú Tân. Toàn tỉnh có 22 đô thị (01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 07 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V), trong đó 02/22 đô thị đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung (thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc). Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô nhỏ, chủ yếu áp dụng các công trình, biện pháp xử lý chất thải tại chỗ nhằm giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn và chất thải rắn. Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang có 05/29 dự án/cơ sở thuộc đối tượng đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.220,71 tấn/ngày, trong đó: khu vực đô thị khoảng 679,68 tấn/ngày (đạt 55,7%), khu vực nông thôn 541,03 tấn/ngày đạt 44,3%). Tổng khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 938,36 tấn/ngày (đạt 76,87%), trong đó: khu vực đô thị khoảng 521,51 tấn/ngày, khu vực nông thôn được khoảng 416,85 tấn/ngày. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 Nhà máy xử lý chất thải rắn với công suất 50 tấn/ngày đêm, 03 khu chôn lấp hợp vệ sinh và 07 bãi rác không hợp vệ sinh đang hoạt động. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Về quản lý chất thải nguy hại: Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn khoảng 961.284,79 kg/năm, trong đó: khối lượng được thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 960.988,69 kg/năm (đạt 99,97%). Chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn khoảng 281,915 tấn, trong đó: khối lượng được thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 281,915 tấn (đạt 100%). Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại: Trên địa bàn tỉnh hiện có: (1) 05 Trung tâm y tế (Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn) có lò đốt chất thải rắn y tế, trong đó: có 03 Trung tâm y tế (Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn) có lò đốt hoạt động bình thường, 02 Trung tâm y tế (Tịnh Biên, An Phú) lò đốt hiện đang ngưng hoạt động do bị hỏng; (2) 02 Bệnh viện (Sản Nhi, Đa khoa khu vực Tân Châu) xử lý chất thải lây nhiễm bằng phương pháp không đốt (lò hấp) và đang hoạt động bình thường. Riêng Nhà máy xử lý chất thải nguy hại thành phố Long Xuyên tại bãi rác phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đã ngừng hoạt động kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2022 đến nay; hiện Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đang thực hiện thủ tục có liên quan để thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng tổ hợp xử lí chất thải nguy hại và xử lí bùn thải không nguy hại làm phân bón” tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên. Về quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang chưa có cơ sở/doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chỉ có các cơ sở/doanh nghiệp nằm ngoài tỉnh làm thủ tục nhập khẩu phế liệu qua cửa khẩu Vĩnh Xương, các cơ sở/doanh nghiệp này không có bố trí kho, bãi để lưu giữ tạm thời, sau khi được thông quan sẽ chuyển ngay về các cơ sở, nhà máy sản xuất nằm trên địa bàn ngoài tỉnh. Qua đó, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu của các cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2023 là 202.423 tấn, cụ thể: Giấy phế liệu 85.125 tấn; Sắt thép phế liệu 117.298 tấn. Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm qua, An Giang kịp thời triển khai các quy định của Trung ương thuộc lĩnh vực môi trường, góp phần hoàn thiện thể chế để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh với nội dung phong phú, đa dạng về hình thức, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, chuyển biến nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Công tác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường mới được chú trọng, trong đó kiểm soát chặt chẽ các dự án từ giai đoạn xin chủ trương đầu tư, thẩm định dự án; tăng cường kiểm tra trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi phê duyệt và triển khai thực hiện dự án; hướng dẫn khắc phục các tồn tại và thực hiện đúng pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường… Theo đó, trong thời gian tới, An Giang tiếp tục rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Trung ương; kiện toàn tổ chức, nhân sự về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tranh thủ các nguồn lực tương xứng để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường song song với đầu tư cho phát triển kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời kiểm soát, cảnh báo, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; tập trung, tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường; kiểm soát và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Nâng cao chất lượng quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và cảnh báo các sự cố môi trường. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường./. Nguồn: Báo cáo số 292/BC-UBND ngày 22/3/2024