Ngày 06-11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai, áp dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý và thực hiện quy hoạch. Tăng cường phối hợp liên thông, đa ngành để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, các dữ liệu về đất đai, môi trường, đô thị, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS để phục vụ các nhiệm vụ khác nhau như xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, cải cách hành chính, trung tâm điều hành thành phố thông minh,…Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tích hợp vào kho dữ liệu số, cổng dữ liệu mở của tỉnh; cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước trong tỉnh và các cơ sở dữ liệu của quốc gia.
Ưu tiên xây dựng, phát triển các hệ thống thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực: Y tế thông minh; Giáo dục thông minh; An toàn và an ninh xã hội;, Du lịch thông minh; Ứng dụng thông minh trong các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; Nông nghiệp thông minh; Phát triển thương mại điện tử,...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương để thực hiện công tác phát triển đô thị thông minh bền vững năm 2024-2025. Thực hiện phát triển đô thị thông minh một cách tổng thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, có sự ưu tiên đầu tư đảm bảo hiệu quả của nguồn lực. Huy động xã hội hóa các nội dung về đầu tư xây dựng các dự án, hạng mục phát triển đô thị thông minh để giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước và huy động sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền, doanh nghiệp và người dân…
Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh theo lộ trình ưu tiên, tránh dàn trải, thiếu kết nối, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào. Đẩy mạnh việc triển khai các nội dung thí điểm đô thị thông minh: Rà soát, đánh giá, lựa chọn, phê duyệt khu vực thí điểm, chương trình, kế hoạch thực hiện thí điểm.
Tăng cường chú trọng công tác quy hoạch đô thị thông minh, lồng ghép nội dung phát triển đô thị thông minh bền vững vào trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị; gắn kết chặt chẽ quá trình chuyển đổi số với phát triển đô thị thông minh bền vững. Nghiên cứu phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bước đầu triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, hệ thống cảnh bảo thiên tai,… đảm bảo việc kết nối, truyền dữ liệu và hỗ trợ các bài toán phân tích phục vụ quản lý, giám sát cũng như triển khai các dịch vụ đô thị thông minh.
Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cho phát triển đô thị thông minh, nâng cao mức độ phổ cập sử dụng, kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh. Cần đưa ra các giai đoạn phát triển để đảm bảo hạ tầng đi trước một bước tạo hiệu quả đầu tư phát triển. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững./.
Nguồn: Công văn số 1569/UBND-KTN ngày 6/11/2024