An Giang triển khai một số nội dung, giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính

Để kịp để nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công, Ngày 16-5, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có văn bản yêu cầu Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.   Bộ phận một cửa các cấp niêm yết công khai các quy định về TTHC. Tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Công an tỉnh làm đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo với cấp có thẩm quyền kết quả xử lý các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06.  Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiểm soát các quy định về TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sở, ban, ngành tỉnh giúp UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương hoặc tham mưu với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí của người dân, doanh nghiệp… Ngay sau khi quyết định được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện chỉ đạo cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa các cấp niêm yết công khai theo quy định (trực tiếp, trực tuyến, mã QR), việc niêm yết TTHC phải đầy đủ các bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính bao gồm mẫu đơn và tờ khai được xuất từ Cổng dịch vụ công quốc gia.  Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm và đảm bảo 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Sở, ban, ngành tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; gắn kết việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa bảo đảm thực hiện nghiêm quy định người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, nhất là kết nối, tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ giữa các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử do các bộ, ngành xây dựng, triển khai thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử, báo cáo điện tử và khai thác, phát huy hiệu quả các công cụ kỹ thuật số, kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành, giám sát thực thi. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý PAKN của người dân, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, TTHC bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đến người dân về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp…/. Nguồn: Công văn số 634/UBND-TH ngày 16/5/2024