An Giang phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nấm ăn 2025

Ngày 19-5, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nấm ăn tỉnh An Giang năm 2025, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nấm ăn theo quy mô tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại gắn kết với thị trường tiêu thụ; nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động thu gom, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, tận dụng nguồn phụ phẩm sau khi trồng nấm để nuôi trùn quế giảm ô nhiễm; nâng cao giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người trồng nấm, góp phần nâng cao vị thế ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang.

Mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển tập trung gắn kết tiêu thụ: Đối với nấm rơm trồng ngoài trời là 50 ha; trồng trong nhà ứng dụng công nghệ cao 02 ha; Đối với nấm bào ngư và nấm mối đen 2.300.000 bịch phôi.
Thành lập, củng cố 03 tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm nấm ăn tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nấm ăn được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết với tiêu thụ từ 30% trở lên. Tăng thu nhập tối thiểu 15% so với sản xuất ngoài vùng liên kết tiêu thụ.
Theo đó, An Giang se xây dựng vùng sản xuất nấm ăn gắn với liên kết tiêu thụ: Sản phẩm nấm ăn năm 2025 sẽ tập trung cho 03 loại sản phẩm chính là nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mối đen. Cụ thể sản xuất tập trung từng nhóm sản phẩm như sau: Vùng sản xuất đối với nấm rơm:+ Quy mô sản xuất nấm rơm ngoài trời là 50 ha tại 03 huyện: Chợ Mới, Tri Tôn và Châu Thành; Quy mô sản xuất nấm rơm trong nhà ứng dụng công nghệ cao là 02 ha, tập trung tại 02 huyện: Chợ Mới và Châu Thành.


Vùng sản xuất nấm bào ngư, nấm mối đen với tổng quy mô 2.300.000 bịch phôi giống, tập trung tại 08 huyện/thị xã/thành phố: Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tân Châu và thành phố Long Xuyên.
Bên cạnh đó, An Giang cũng thúc đẩy phát triển hệ thống bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm nấm ăn, như: Rà soát, xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản nấm; Thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực chế biến nấm ăn; Mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư phát triển hệ thống bảo quản, chế biến các loại nấm ăn tham gia chuỗi liên kết; Mời gọi các doanh nghiệp triển khai dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất gắn với lĩnh vực bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm nấm.
Đồng thời xây dựng kênh thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nấm ăn trên hệ thống website Sở Nông nghiệp và Môi trường, báo, đài trong và ngoài tỉnh,...; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nấm ăn; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến sản phẩm nấm ăn ứng dụng và phát triển thương mại điện tử…/.


Nguồn: Kế hoạch số 588/KH-UBND ngày 19/5/2025

Tác giả
Hải Nhu