Trồng Mận An Phước trong nhà màng cho thu nhập ổn định cuộc sống

Xuất phát từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất bạt màu. Nhiều Nông dân thị trấn Chợ Vàm thành công với các loại cây ăn trái như xoài cát hòa lộc, sầu riêng, mận…. Trong đó, mô hình trồng mận An Phước được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân có đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây ăn trái trên địa bàn.

Một trong những nông dân có đất trồng nếp kém hiệu quả, chuyển đổi thành công sang trồng Mận An Phước tại thị trấn, phải nói đến chú Nguyễn Văn Tài, ngụ Khóm Phú Hữu, thị trấn Chợ Vàm. 

Lúc đầu chuyển đổi sang trồng mận, dù gặp không ít khó khăn trong khâu lựa chọn giống cây, kỷ thuật trồng. Nhưng với đam mê và quyết tâm đột phá trong sản xuất nông nghiệp, khiến chú tự tin, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và đạt hiệu quả khả quan như hôm nay. 

Trước đây với 1,5 công đất trồng nếp kém hiệu quả. Từ khi chuyển đổi sang trồng mận An Phước, hiệu quả từ mô hình này đã giúp gia đình chú thu nhập ổn định hơn so với trước kia.

Chú Tài cho biết: “nếu chú không mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thì không thể nào khai thác hiệu quả mảnh đất này của mình, vì trước đây đất này trồng nếp năm nào cũng bị lỗ vốn, do chuột cắn phá 

Sau hơn 2 năm, vừa tích lũy kinh nghiệm vừa học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch Mận, đến nay với 79 gốc mận An Phước được trồng trong nhà màng, đã cho thu hoạch được 03 vụ, vụ đầu thu hoạch 1 tấn, vụ thứ 2 thu hoạch 1,5 tấn, vụ thứ 3 thu hoạch được 3 tấn, với giá bán 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận kinh tế thu về từ vườn Mận đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình. 

Chú Tài cho biết thêm: “điều kiện thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp với cây mận An Phước, lúc đầu chưa nắm vững kỹ thuật, mận đậu trái thấp nên nâng suất kém, từ khi làm nhà màng không những đỡ công chăm sóc, mà chi phí phân thuốc cũng giảm, trái đậu nhiều, cây cho nâng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình. 

Ưu điểm của mô hình trồng mận trong nhà màng giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, khoảng cách mỗi lần phun xịt cũng giảm, đảm bảo an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa các loài sâu bệnh như ruồi vàng đục trái. Bên cạnh đó, trồng mận bón phân rất ít, khi tiến hành bao trái thì không bón thêm phân nữa.

Có thể thấy, hiệu quả kinh tế mang lại của mô hình trồng mận An Phước trong nhà màng không những cho thu nhập ổn định cho hộ gia đình, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương, mà đây còn là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn và hiệu quả kinh tế./.

Tác giả
Thanh Thủy