Hướng dẫn xây dựng chuẩn mực đạo đức và đăng ký mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Căn cứ nội dung Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”;  Thời gian qua, các chi, đảng bộ cơ sở đã xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức và các mô hình “làm theo Bác”, có nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm sáng tạo được phát hiện và nhân rộng trong toàn Đảng bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, vẫn còn một số chi, đảng bộ lúng túng trong việc xây dựng chuẩn mực, lựa chọn đăng ký mô hình làm theo Bác; nội dung chuẩn mực đạo đức của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, dàn trải, khó nhớ, có nội dung chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; một số mô hình hiệu quả chưa thật sự nổi bật, chưa có tính khả thi cao để có thể nhân rộng. Nhằm giúp các chi, đảng bộ cơ sở thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với nội dung chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thông qua những việc làm, hành động cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dần trở thành hành động tự giác của cán bộ, đảng viên, xây dựng người cán bộ, đảng viên đủ tâm, đủ tầm, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. II. NỘI DUNG 1. Xây dựng chuẩn mực đạo đức 1.1. Nội dung chuẩn mực - Chi, đảng bộ nghiên cứu, chọn lọc những từ ngữ ngắn gọn, xúc tích thể hiện chuẩn mực cần có của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có thể sử dụng chuẩn mực đạo đức của ngành dọc cấp trên (nếu có). Các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có thể sử dụng chuẩn mực đạo đức chung của đảng ủy. - Gợi ý một số chuẩn mực theo từng nội dung cụ thể như: (1) Đối với Tổ quốc, với Đảng: Trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,… (2) Đối với Nhân dân: trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại, tuyên truyền, thuyết phục,... (3) Đối với đồng chí, đồng nghiệp: đoàn kết, chân thành, thẳng thắn, thân ái, nghĩa tình, phối hợp, hợp tác, giúp đỡ,… (4) Đối với bản thân: cần, kiệm, liêm, chính, gương mẫu, trong sáng, giản dị, khiêm tốn, tự lực, tự chủ,… (5) Đối với công việc: tận tụy, tận tâm, trung thực, khách quan, trách nhiệm, thận trọng, bảo mật, siêng năng,… 1.2. Ban hành và niêm yết chuẩn mực - Cấp ủy ra quyết định ban hành chuẩn mực đạo đức; tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên trước khi ký ban hành; không yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung chuẩn mực hằng năm nếu không cần thiết. - Chuẩn mực được niêm yết trang trọng nơi dễ nhìn: Bên trong hội trường, văn phòng làm việc,…. - Kích thước khung: 40 cm x 60 cm, 50 cm x 75 cm, 60 cm x 90 cm,… đảm bảo phù hợp vị trí niêm yết. 2. Mô hình “làm theo Bác” Hàng năm, chi, đảng bộ cơ sở (kể cả chi, đảng bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở) thảo luận lựa chọn, đăng ký mô hình làm theo Bác cụ thể, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi lĩnh vực công tác và trong đời sống xã hội phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Gợi ý một số mô hình theo nhóm ngành cụ thể như sau: 2.1. Chi bộ ngành, đảng bộ xã, thị trấn: Các mô hình tiết kiệm, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn; nhà nước và nhân dân cùng chăm lo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn…của địa phương, đơn vị. 2.2. Chi, đảng bộ khối hành chính: Các mô hình thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ giao tiếp, phục vụ nhân dân; các mô hình tiết kiệm giúp đỡ cán bộ, đảng viên có hoàn cảnh khó khăn; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do dịch Covid-19, học sinh vượt khó học giỏi, mua thẻ bảo hiểm y tế… 2.3. Chi, đảng bộ khối đơn vị sự nghiệp: Các mô hình xây dựng môi trường, cảnh quan đơn vị, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn; hỗ trợ chăm sóc khách hàng, bệnh nhân, học sinh,…; tiết kiệm hỗ trợ cán bộ, đảng viên, người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... 2.4. Chi, đảng bộ thuộc khối lực lượng vũ trang: các mô hình chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; nâng chất chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội… (Đính kèm tổng hợp Mô hình “Làm theo Bác) III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Căn cứ hướng dẫn này và tình hình thực tế, các chi, đảng bộ cơ sở nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung chuẩn mực và đăng ký thực hiện mô hình làm theo Bác; định kỳ 06 tháng và cuối năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Tuyên giáo Huyện ủy (lồng ghép vào báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW) để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy. Đề nghị các chi, đảng bộ cơ sở quan tâm triển khai thực hiện.         Ban Tuyên giáo Huyện ủy     TỔNG HỢP NHỮNG MÔ HÌNH “LÀM THEO BÁC” CỦA CÁC CHI, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ   1. Tiết kiệm, hỗ trợ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo an sinh xã hội - “Hỗ trợ cán bộ, đảng viên khởi nghiệp (thoát nghèo)”, “Tiết kiệm (góp vốn) xoay vòng”: cho cán bộ, đảng viên vay vốn (mượn vốn) không lãi suất để sản xuất, kinh doanh khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. - “Mái ấm yêu thương”; “Ngôi nhà cấp ủy”; “Mái ấm đồng đội”: cất mới, sửa chữa nhà cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. - “San sẻ yêu thương”; “Kết nối yêu thương”; “Quỹ vì bạn nghèo”; Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, lang thang, cơ nhỡ”; “Tiết kiệm làm theo lời Bác”; “Tiết kiệm hỗ trợ đảng viên gặp khó khăn”; “Heo đất tiết kiệm”, …: phát động tiết kiện trong cán bộ, đảng viên; vận động mạnh thường quân đóng góp, trao tặng các phần quà, tiền mặt,…cho cán bộ, đảng viên, hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, lang thang, cơ nhỡ. - “Đồng hành cùng em đến trường”; “Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế”; “Xe đạp vì đàn em thân yêu”: Từ nguồn quỹ đóng góp hoặc vận động mạnh thường quân, trao hỗ trợ các phần quà, xe đạp, thẻ BHYT, học bổng cho các em học sinh có điều kiện tiếp bước đến trường. Mô hình “Đỡ đầu học sinh vượt khó học giỏi”, “Đỡ đầu học sinh tiếp bước đến trường”: Phối hợp địa phương xét chọn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, hàng tháng tiến hành trao tặng học bổng. - “Mỗi tháng một địa chỉ”: Mỗi tháng, vận động mạnh thường quân hỗ trợ (tiền, quà, hỗ trợ vốn hoặc vay vốn..) cho 01 trường hợp (đoàn viên, hội viên,..) yếu thế ổn định, phát triển kinh tế. - “Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí tận nhà”: Hàng tháng hoặc quý phối hợp ngành y tế khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí tận nhà cho các gia đình chính sách, có công cách mạng, người già neo đơn, người khuyết tật, già yếu,... - “Mỗi tuần (ngày, tháng) một việc tốt”; “Mỗi tuần (ngày, tháng) một việc tốt vì nhân dân”; “Ngày thứ bảy tình nguyện phục vụ nhân dân”: Mỗi tuần (ngày, tháng) hoặc ngày thứ bảy, lựa chọn và thực hiện các công trình, phần việc tình nguyện vì cộng đồng, các hoạt động an sinh xã hội,…phục vụ nhân dân địa phương. - “Quỹ đồng đội”; “Tình đồng đội”; “ Đồng hành với cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn”; “Hỗ trợ cho gia đình quân nhân tại ngũ”: Phát động cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hoặc vận động mạnh thường quân đóng góp, hàng năm xét hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. - “Mỗi ngày (tuần, tháng,…) học một lời Bác Hồ dạy”: Mỗi ngày (tuần, tháng,…) lựa chọn và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ học một lời dạy của Bác, thông qua các buổi họp lệ chi bộ, sinh hoạt định kỳ,…để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ học tập và noi theo gương Bác. 2. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng, chống dịch Covid-19:  - “Giúp nhau thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới”: Hỗ trợ vốn (vay vốn) cho cán bộ, đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế thoát nghèo. - “Ngày chủ nhật xanh”: định kỳ, ngày chủ nhật hàng tuần hoặc trong tháng tổ chức ra quân thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương, đơn vị. - “Lắp đặt Camera an ninh”; “Cột cờ thẳng tắp”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn”; “Lắp đặt đèn chiếu sáng”; “Vận động nhân dân treo ảnh Bác”; “Tuyến đường hoa”; “Tuyến đường thân thiện - văn minh”: vận động lắp đặt cột cờ, Camera, pano, áp phích, trồng hoa…trên các tuyến đường với các khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... - “Chuyến xe nghĩa tình - hành trình lan tỏa yêu thương”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Siêu thị miễn phí”; “5K - Tránh xa Covid”; “Chung tay đánh bay Covid”,…: tổ chức trao tặng các phần quà cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch Covid -19. 3. Các mô hình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm, thái độ giao tiếp, phục vụ nhân dân: - Cải cách thủ tục hành chính: “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”; “Nụ cười công sở”; “Làm việc khoa học, tận tụy, công tâm”; “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”; “Chính quyền thân thiện”. + “5 biết”: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn. + “3 thể hiện”: Tôn trọng, văn minh, gẫn gũi. + “3 trong 1”: Người dân đến làm thủ tục khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi được cán bộ tiếp nhận làm giấy khai sinh trước và trao phiếu hẹn, đến thời gian hẹn cán bộ sẽ đến tận nhà trao thẻ BHYT và sổ hộ khẩu cho người dân. + “4 không”: Không chậm trễ trong giải quyết công việc; không để xảy ra sai sót trong giải quyết công việc; không làm phát sinh thủ tục hành chính (TTHC); không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan),… - Nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm: + “4 chủ động”: Chủ động giữ gìn đoàn kết nội bộ; chủ động trau dồi đạo đức cách mạng, công vụ; Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng; Chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ năng lực thực tiễn, lý luận chính trị. + “Ba cần”: Cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi, lắng nghe ý kiến của dân; cần vận động Nhân dân cùng lo và cùng làm. + “Ba nên”: Nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ nhân dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình. + “Ba không”: không gây phiền hà với dân; không thờ ơ thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng với dân. + “3 tránh, 5 phấn đấu”: 3 tránh” bao gồm: lười học, làm sai nghị quyết; người thân gia đình thực hiện không đúng chủ trương; thờ ơ với việc chung của huyện, của nghị quyết; 05 phấn đấu bao gồm: tu dưỡng, đạo đức; rèn luyện chữ Tâm; rèn luyện chữ tín. +“3 đúng, 3 sát”: 3 đúng: đúng giờ, đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng chủ trương chính sách, pháp luật; 3 sát: sát cơ sở, sát việc, sát đoàn viên, hội viên (cán bộ, đảng viên); “Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”,… 4. Xây dựng môi trường giáo dục, cảnh quan sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục trên tất cả các mặt hoạt động - “Thư viện xanh”: xây dựng khuôn viên thư viện với các mảng xanh, không gian tươi mát,…phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. - “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”: Thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, mỗi tuần lựa chọn và tuyên truyền các câu chuyện đẹp, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống đẹp, có ích để các em học sinh học tập và noi theo. - “Người bạn đồng hành”: vận động đóng góp các nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, đảng viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. - “Ba thực chất”: triển khai các hoạt động dạy và học đảm bảo các tiêu chí: Dạy thực chất, Học thực chất, Thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất,… 5. Tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: - “Ba không”: Tuyên truyền, vận động bà con tín đồ thực hiện các tiêu chí: không vi phạm tệ nạn xã hội, không tàng trữ, sử dụng ma túy và không vi phạm TTATGT. - “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với an toàn giao thông”: Tuyên truyền, vận động bà con tín đồ tham gia đảm bảo an toàn giao thông. - “Tuyến đường an toàn giao thông”: phối hợp thực hiện duy tu, nâng chất các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.