AGO - Thổ nhưỡng An Giang thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây ăn trái. Thời gian qua, hoạt động liên kết, tiêu thụ cây ăn trái được quan tâm; doanh nghiệp (DN) đầu tư, xúc tiến liên kết tại các vùng chuyên canh phát triển quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chưa bằng lòng với thành quả đạt được, tỉnh đang ấp ủ giấc mơ đem “cây nhà lá vườn” vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, phủ rộng trên thế giới.
Nhiều loại cây ăn trái tiềm năng được trồng rộng rãi
Tiềm năng của “thủ phủ” cây trái
Hiện nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh phát triển đa dạng về chủng loại, “dư sức” cung ứng cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Gần 20.000ha đang trồng cho trái 90% diện tích, tổng sản lượng cả năm ước đạt 350.000 tấn, chủ lực vẫn là cây có múi, xoài, mít, nhãn, chuối... Toàn tỉnh được cấp 466 mã số vùng trồng xuất khẩu, riêng về cây ăn trái chiếm 334 mã số vùng trồng (hơn 7.600ha). Cây ăn trái của tỉnh đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, EU, Nhật. Huyện An Phú tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài keo sang thị trường Hàn Quốc; liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị. Huyện Chợ Mới công bố xuất khẩu xoài da xanh, xoài hạt lép sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.
Gần đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng TikTok. Qua đó, 22 DN An Giang tham gia hơn 125 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng địa phương. Kết quả, sản phẩm của tỉnh tiếp cận gần 32 triệu người, trong đó 1,6 triệu lượt xem và bán ra trên 17.800 đơn hàng. Đây là kỷ lục trong hơn 38 phiên livestream bán nông sản trên TikTok được tổ chức từ Bắc và Nam suốt 1 năm qua.
Thành lập năm 2014, Vina T&T dần được biết đến là nhà cung cấp trái cây tươi cho thị trường Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ (Vina T&T Gourmet và cửa hàng trái cây trực tuyến Fruits T&T). Đầu năm 2015, DN xuất khẩu thành công lô thanh long đầu tiên qua Hoa Kỳ, là tiền đề tiếp tục xuất khẩu các loại trái cây khác (nhãn, xoài, dừa…). Vùng trồng nguyên liệu trải dài từ miền Bắc đến miền Tây, trong đó, An Giang là địa phương cung cấp số lượng lớn xoài.
ThS Nguyễn Phong Phú (Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T) chia sẻ: “Cả nước có 7 loại trái cây được chúng tôi liên kết xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, gồm: Thanh long (năm 2008), chôm chôm (2011), vải thiều, nhãn (2014), vú sữa (2017), xoài (2019), bưởi (2022). Các yêu cầu cơ bản xuất khẩu trái cây sang thị trường này khá khắt khe, như: Vùng trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ, được cấp mã số; đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được Hoa Kỳ chứng nhận đáp ứng yêu cầu và được cấp mã số đóng gói; nhà máy chiếu xạ phải được chứng nhận; nhập khẩu thông qua hình thức các lô hàng thương mại và kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. An Giang vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu trái cây sang thị trường này, nếu chú trọng đáp ứng các yêu cầu cơ bản trên”.
Khảo sát của ngành chuyên môn cho thấy, nhu cầu tiêu thụ/dư địa thị trường rau quả toàn thế giới lớn, liên tục tăng: Từ 222 tỷ USD năm 2013 lên 311 tỷ USD năm 2022 (tăng hơn 1,4 lần sau 10 năm). Nếu nắm bắt kịp thời cơ hội này, trái cây của An Giang sẽ hòa cùng dòng chảy xuất khẩu của cả nước, vươn mình ra “biển lớn”.
Rào cản của “ao làng”
Muốn vươn mình ra “biển lớn”, An Giang cần phải thoát khỏi những rào cản của “ao làng”, tư duy và cách làm truyền thống. Theo phân tích của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cây trái của Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng gặp hạn chế về tổ chức sản xuất: Quy mô nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị. Việc nghiên cứu, sản xuất giống mới, sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chưa được triển khai đồng bộ. Năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả còn thấp so với năng suất bình quân chung và so với năng suất tiềm năng của giống.
Cơ sở sơ chế, đóng gói, phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, phần nào hạn chế DN lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu. Quy hoạch hệ thống kho bảo quản, xử lý sau thu hoạch và chế biến (đặc biệt là chế biến sâu) còn thiếu, chậm đầu tư cải thiện. Thông tin thị trường chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là thị trường lớn. Thực trạng này cũng được tỉnh An Giang nhận thấy, khi sản phẩm cây ăn trái của tỉnh phần lớn được tiêu thụ ở dạng sản phẩm trái cây tươi, giá trị gia tăng chưa cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù một số sản phẩm được đầu tư chế biến sang sấy khô, sấy dẻo, nhưng số lượng vẫn còn ít, chưa tương xứng với sản lượng hiện có của tỉnh.
Kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào giữa tháng 11/2007, các rào cản thương mại được gỡ bỏ. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật đối với thương mại lại dần được các nước nhập khẩu dựng lên, như: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia họ. Nông sản và thủy sản cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận xanh do EU đặt ra, theo hướng tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn. DN Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải, giảm sử dụng hóa chất có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Không thể nào giữ mãi quy cách sản xuất lạc hậu truyền thống, theo kinh nghiệm nhiều đời truyền lại.
Nhiều hoạt động hỗ trợ cây trái An Giang xuất khẩu
Nắm bắt thương mại điện tử xuyên biên giới
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng được DN quan tâm, lựa chọn. Việc nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, được xác định là trọng tâm của phát triển thương mại điện tử của tỉnh trong giai đoạn tới. Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục là ưu tiên trong tổng thể chiến lược phát triển thương mại điện tử Việt Nam.
Với trò tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử của đại diện DN thông qua tập huấn kiến thức chuyên sâu, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, giới thiệu giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị DN vào sản xuất - kinh doanh… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0. DN còn được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, tạo điều kiện tham gia, mở rộng hoạt động kinh doanh trên gian hàng ảo 3D, sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước đạt hiệu quả; xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của DN…
Theo Sở Công Thương, thời gian tới, đơn vị sẽ cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, cùng với ngành hải quan triển khai hiệu quả quy định quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc có chính sách riêng dành cho hoạt động xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan điện tử, tạo thuận lợi cho DN hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy An Giang khẳng định, từ tiềm năng to lớn, tỉnh định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây ăn trái, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Cụ thể, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lấy hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với DN theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy việc hình thành mối liên kết ngang giữa nông dân và nông dân, thành lập các nhóm sản xuất, tạo thế mạnh sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái, hạn chế rủi ro trong khâu tiêu thụ. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến khích - hỗ trợ phát triển cây ăn trái bền vững theo mô hình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP. Mở rộng quy mô chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt hướng đến kế hoạch mục tiêu 50% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng giai đoạn 2025 – 2030” – đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Văn Mười “hiến kế” cho tỉnh An Giang nhiều vấn đề. Đó là định hướng phát triển cây ăn quả, thông qua tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, gắn với phát triển các nhà máy chế biến, kho bảo quản và liên kết thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và khả năng chế biến tốt (12.300ha xoài, 2.400ha mít, 850ha sầu riêng…). Nghiên cứu, xây dựng một số mô hình cây ăn quả giống mới mà địa phương chưa có, nhằm đánh giá tính khả thi để chuyển đổi phù hợp. Triển khai rải vụ thu hoạch cây ăn quả, tránh tập trung chính vụ với sản lượng lớn, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm.
Đồng thời, phát triển cây ăn quả gắn với du lịch nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường quảng bá thông qua sự kiện, lễ hội, hội chợ nông nghiệp, nông sản, trái cây gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý trái cây của tỉnh An Giang.