Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã trở thành công cụ không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy. Từ đó vừa tạo cơ hội phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên, vừa đem lại nhiều hứng thú trong học tập cho học sinh, nhất là trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay.
Tại trường mầm non Phú Mỹ, huyện Phú Tân, trong giờ học phát triển ngôn ngữ, chữ cái, với bài học "Làm quen A Ă Â", không khí dạy và học của cô và trò khá sôi nổi, hào hứng. Tất cả các kiến thức về môn học đều được cô giáo thu thập, biên soạn lại thành bài giảng video, với nhiều hình ảnh trực quan, gần gũi đời sống. Điều này, không chỉ giúp các em dễ học, dễ nhớ mà còn thu hút các em tham gia vào tiết học.
Cô Phạm Thị Diễm, Giáo viên trường mầm non Phú Mỹ cho biết: “Để tạo hứng thú hơn cho các em trong giờ học, giáo viên chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học. Trong soạn giáo án, tôi siêu tầm những video, hình ảnh thực tế, có sẵn trên các trang mạng. Sau đó, sử dụng phần mềm để cắt ghép, tạo thành các bài giảng phù hợp với trẻ, trình chiếu dạy. Nhờ vậy, các tiết học trở nên sinh động, thu hút các em, góp phần nâng cao chất lượng tiết học cũng như dạy học.”
Em Nguyễn Hồ Anh Thơ, học sinh trường mầm non Phú Mỹ chia sẻ: “Trong những tiết dạy của cô, em được học từ những bài soạn video, có nhiều hình ảnh đẹp. Qua đó, em và các bạn rất thích, dễ hiểu và dễ nhớ bài.”
Thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy của ngành giáo dục, từ năm học 2023-2024, Trường Mầm non Phú Mỹ đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy đến toàn thể cán bộ, viên chức giáo viên. Nhà trường đã đầu tư mua máy tính, tivi, bố trí thêm phòng cố định có đầy đủ các thiết bị phục vụ các tiết dạy có ứng dụng. Phát động xây dựng một thư viện giáo án điện tử và các bài giảng có sử dụng công nghệ thông tin để các giáo viên khác có thể sử dụng khi có tiết dạy. Lập một kênh Youtube riêng của trường đưa những hoạt động học hay, video các hoạt động của các giáo viên trong trường lưu lại thành một kho tài liệu để trẻ có thể tiếp cận bài học một cách sinh động hiệu quả “chơi mà học, học bằng chơi”. Tạo điều kiện cho giáo viên tập huấn, soạn giảng giáo án điện tử, khai thác các tài liệu trên mạng, kho học liệu số. Bên cạnh, nhà trường sử dụng Google drive để quản lý lưu trữ, duyệt giáo án, kế hoạch của các nhóm lớp, họp chuyên môn,v.v.…Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh nhà trường.
Cô Dương Thị Mộng Tuyền, Hiệu trưởng trường mầm non Phú Mỹ cho biết: “Trước đây thực hiện quản lý và giảng dạy bằng phương pháp cũ mất khá nhiều thời gian, không cuốn hút các trẻ học tập. Từ khi áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, giúp nhà trường thuận lợi trong quản lý, giáo viên rèn luyện được nhiều kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực, giảm tải công việc. Thay vì các cô phải tốn nhiều giời gian để chuẩn bị đồ dùng dạy học, vẽ tranh ảnh chi tiết, thì hiện nay có những bài giảng giáo án điện tử, ứng dụng trên phần mềm, thu hút học sinh hơn, các em tích cực tham gia tiết học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.”
Trường tiểu học B Hòa Lạc, có 21 phòng, với 539 học sinh và 35 cán bộ, giáo viên ở điểm 1 và 2. Hiện tại, trường có 2 phòng máy vi tính để học sinh thực hành môn tin học. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị đầy đủ máy tính cho các bộ phận chuyên môn, lắp đặt ti vi ở 11 phòng học, phòng chức năng, hội trường, kết nối internet, 100% giáo viên đều sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các học liệu số. Thầy Tô Trạng Thái, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học B Hòa Lạc thông tin thêm: “Nhà trường còn tổ chức nhiều lớp tập huấn để cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin. Năm học 2023-2024, nhà trường triển khai ứng dụng phần mềm Elearning trong soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng học bạ, điểm số điện tử,v.v…Qua thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy, giáo viên tiết kiệm thời gian soạn bài giảng, các tiết học đều trở nên sôi động và hấp dẫn hơn, tạo điều kiện cho học sinh khám phá, học tập một cách tốt nhất, nâng cao chất lượng giảng dạy của đơn vị.”
Không chỉ được ngành quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn giúp các giáo viên có những hình thức, phương pháp dạy hay, sáng tạo. Cô Nguyễn Thị Huyền, Giáo viên chủ nhiệm lớp 3C, trường Tiểu học B Hòa Lạc cho rằng: “Để tạo tiết học sinh động, tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng, trình chiếu các video trên ti vi. Trong tiết học toán, các em được xem bài toán thực tế, trò chơi liên quan đến nội dung bài học, giúp cho tiết học toán khô khan trước đây trở thành tiết học vui vẻ, học sinh thích, tập trung, trao đổi bài sôi nổi, phát huy năng lực học tập của các em. Đối với giáo viên thuận lợi, dễ dàng hơn khi soạn giáo án, không mất nhiều thời gian để chuẩn bị đồ dùng dạy học.”
Em Huỳnh Võ Kim Minh, Học sinh lớp 3C, trường Tiểu học B Hòa Lạc chia sẻ: “Chúng em được nhà trường trang bị máy tính, ti vi học. Các thầy, cô lên lớp mang theo máy tính và sử dụng các phần mềm trình chiếu để dạy học qua các video, với nhiều hình ảnh, âm thanh, tạo cho chúng em hứng thú khi tham gia tiết học.”
Để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, mỗi năm học, ngành Giáo dục huyện Phú Tân đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Triển khai đồng việc sử dụng phần mềm VnEdu của VNPT vào quản lý và dạy học, sử dụng học bạ, điểm số điện tử; trang bị phần mềm ra đề thi, biên soạn bài giảng Elearning,v.v…Ngoài ra, ngành còn thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, thực hiện thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt,v.v…
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy của ngành Giáo dục huyện Phú Tân đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Thay đổi phương pháp quản lý cũng như dạy học từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, thích đến trường. Từ đó giáo viên nâng cao tay nghề, học sinh hứng thú tiếp thu bài học, tạo được niềm vui khi đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện./.