Có một nghề, một công việc ổn định là mong muốn của tất cả mọi người. Với những hộ nghèo, khó khăn thì điều này càng cấp thiết hơn. Hiểu được điều đó, ông Đặng Nhứt Tâm, ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân đã mở lớp dạy nghề sửa chữa điện dân dụng miễn phí, với mong muốn “trao cần câu”, giúp những hộ nghèo, khó khăn có điều kiện từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Lớp dạy nghề sửa chữa điện dân dụng miễn phí của ông Đặng Nhứt Tâm được mở tại Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Phú Mỹ, thuộc khóm Trung 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân. Lớp hoạt động từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều mỗi ngày. Các học viên theo học ở nhiều độ tuổi khác nhau và đa số thuộc diện hộ nghèo, người lao động thu nhập thấp, muốn có thêm một cái nghề, một công việc ổn định. Lớp học được bố trí đầy đủ bàn ghế và thiết bị phụ vụ việc dạy và học.

Ông Đặng Nhứt Tâm, thị trấn Phú Mỹ cho biết: “trước đây, tôi từng làm qua nhiều nghề để mưu sinh, nên rất rành chuyên môn cơ khí, hàn tiện, sửa chữa đồ điện,v.v.…Tôi nghĩ trong số các nghề, thì sửa điện dân dụng dễ truyền đạt nhất, vì kiến thức đơn giản, chú trọng thực hành, phù hợp nhiều đối tượng. Vậy là tôi quyết định mở lớp học sửa chữa điện dân dụng miễn phí, giúp cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có được một cái nghề để kiếm sống, nuôi sống bản thân và gia đình.”
Ông Đặng Văn Tiền, ở thị trấn Phú Mỹ, biết được ông Đặng Nhứt Tâm mở lớp dạy nghề sửa chữa điện dân dụng miễn phí nên ông đã đăng ký vào học. Vốn yêu thích nghề sửa điện nên ông Tiền tiếp thu bài nhanh, chỉ qua hơn 10 ngày học, ông Tiền đã tự tay sửa chữa hoàn thành nhiều sản phẩm. Ông Đặng Văn Tiền, thị trấn Phú Mỹ chia sẻ: “tham gia học được thầy giáo nhiệt tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc nên rất dễ hiểu. Thời gian học thoải mái, nhất là đến lớp học không nặng nề giờ giấc, nên tranh thủ lúc rảnh đều có thể ghé. Có hôm tôi chỉ học được 1 - 2 tiếng. Ông dự tính sẽ gắn bó lâu dài với lớp, ngoài nghề đã được học, ông sẽ phụ giúp chỉ dẫn cho học viên mới, vì đây là lớp truyền nghề miễn phí, rất được bà con ủng hộ.”

Còn ông Cao Văn Kiệt, ở xã Tân Trung, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và làm rẫy. Những tháng lũ về, đất ngập nước không canh tác được, ông Kiệt đã đăng ký tham gia lớp học để có thêm nghề sửa chữa điện dân dụng. Ông Nguyễn Văn Kiệt, xã Tân Trung chia sẻ: “mỗi ngày, tôi đều tranh thủ thời gian từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 sáng để đến lớp học. Tham gia học này, mục đích trước tiên là sửa chữa đồ điện sinh hoạt bị hư trong gia đình, sau đó mở tiệm làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình.”
Đến với lớp học đặc biệt này, ngoài được học miễn phí, các học viên còn được phục vụ miễn phí cơm, nước và chỗ nghĩ ngơi trong quá trình học tập. Ông Đặng Nhứt Tâm cho biết, những ngày đầu mới mở lớp học, ông hết sức lo lắng và gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về bài toán kinh phí. Ông Đặng Nhứt Tâm thông tin: “Về kinh phí hoạt động, lúc đầu tôi đã xuất tiền, mua các món đồ từ kho phế liệu về dạy cho các học viên để họ có cái nghề. Tôi dạy chủ yếu là sửa quạt, nồi điện, ấm siêu tốc, bếp gas,v.v…Mỗi món đồ sửa chữa hoàn thiện sẽ được trưng bày tại lớp, hộ nghèo nào cần có thể đến lựa chọn lấy về theo sở thích, không tính tiền. Bà con có đồ hư đem lại sửa, lớp nhận sửa, thay phụ tùng đều hoàn toàn miễn phí.”

Nhưng ông Tâm may mắn, luôn có một hậu phương vững chắc. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Xứng, hết lòng ủng hộ chồng, ở bên động viên tinh thần, cùng gánh vác khó khăn, đảm nhận công việc hậu cần, lo cơm, nước cho học viên. Bà Nguyễn Thị Ngọc Xứng, (Vợ ông Tâm) bày tỏ: “Nghe chuyện chồng mở lớp dạy nghề miễn phí, tôi cũng lo lắng lắm, vì không có kinh phí, chưa có lớp học nào để xem cách tổ chức ra sao… Nhưng thấy ý nguyện tốt, nên tôi hết sức ủng hộ chồng. Chúng tôi thống nhất bỏ tiền túi để mua đồ nghề, vật dụng mở lớp. Hàng ngày, tôi phụ nấu nướng, phục vụ các bữa ăn cho bà con đến học. Miễn sao giúp được người nghèo có điều kiện học nghề, có kế sinh nhai, lại có đồ để tặng cho người nghèo là mừng lắm rồi.”

Dù cuộc sống gia đình còn không ít khó khăn, nhưng ông Tâm luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để học viên tham gia lớp học. Những học viên hoàn cảnh khó khăn, tự mua lại các món đồ hư, được ông Tâm hướng dẫn sửa, sau khi sửa xong được đem về nhà trưng bán, đổi lại chút thu nhập và làm quen dần với khách hàng. Chưa dừng lại, ông còn dự tính sẽ tặng bộ đồ nghề cho học viên có hoàn cảnh khó khăn để khởi nghiệp.
Lớp dạy nghề của ông Tâm không chỉ mở ra cơ hội việc làm cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mà còn lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Tấm lòng, việc làm của ông Đặng Nhứt Tâm và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Xứng, thật đáng trân trọng và biểu dương./.