Từ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, đây là nội dung quan trọng nhằm góp phần thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo, giúp giáo viên giảm thời gian, công sức, thực hiện công việc. Công tác triển khai thực hiện ở Phú Tân đã và đang thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, toàn ngành triển khai thực hiện theo lộ trình và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sau khi quán triệt thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể các nội dung, đối tượng, điều kiện tham gia thí điểm đến các trường Tiểu học; đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai để các trường nắm vững các nội dung thực hiện. Đến nay, các đơn vị đã được nhà cung cấp dịch vụ VNPT tập huấn phần mềm học bạ số, theo dõi cập nhật của giáo viên, hỗ trợ giáo viên khi gặp khó khăn. Các trường học tham gia thí điểm đều chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như máy tính kết nối mạng internet, phần mềm quản lý để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; tất cả các trường đều thực hiện học bạ điện tử, đồng bộ thích ứng với cơ sở dữ liệu quốc gia thuận tiện cho việc chuyển sang học bạ số. Tất cả các trường thí điểm (13 trường) đều thực hiện học bạ số và 100 học sinh khối 1-4 đều có học bạ số, một số công việc đã đạt được kết quả bước đầu, tạo được sự đồng thuận trong giáo viên.
ảnh minh họa
Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện yêu cầu các trường Tiểu học tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ triển khai. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương về chủ trương của ngành GDĐT trong việc triển khai học bạ số, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai; nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo để triển khai, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị để có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong quá trình triển khai xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia, đây là công việc khó, mới, trọng tâm và lâu dài nên cần chuẩn bị chu đáo, quá trình triển khai thực hiện cần phát huy hiệu quả kinh nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, nhân lực hiện có, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động linh hoạt triển khai thực hiện phù họp với điều kiện tại đơn vị.
Bên cạnh, nội dung trên học bạ số phải đầy đủ các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GDĐT và bổ sung thêm các trường thông tin: Mã số tra cứu học bạ; Mã số định danh và Ngày hiệu lực của học bạ số. Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức tập huấn vận hành, sử dụng hệ thống học bạ số cấp tiểu học. Các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số phải có chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực, kinh nghiệm, cam kết cung cấp dịch vụ ổn định, an toàn. Không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đên chuyển đổi số trong ngành giáo dục và học bạ số, đặc biệt có liên quan đến phần mềm quản lí nhà trường, phần mềm quản lí trung tâm, chữ kí số, đầu tư hạ tầng thiết bị... Việc triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lí, sử dụng học bạ số đáp ứng yêu cầu thay thế học bạ giấy truyền thống trong thực hiện thủ tục hành chính có sử dụng học bạ làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Quá trình thí điểm bao gồm: phần mềm hệ thống, tập huấn sử dụng; vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Cụ thể: tạo lập, cập nhật học bạ số, quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính sử dụng liên quan đến học bạ số); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia.