Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
Giảm nghèo bền vững, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán xuyên suốt, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cũng như hành động thực tiễn nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Những thành quả về giảm nghèo của Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là “gần như chưa có tiền lệ”, được ví như “một cuộc cách mạng”, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Tiêu biểu năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Tại nhiều tỉnh, thành phố, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn “lõi nghèo” có sự cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, có đến 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã thoát nghèo thành công. Đời sống của người dân trên cả nước không ngừng được cải thiện.
Hiện Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (MPI). Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023 cho thấy, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm qua.
Đáng nói, cho đến nay, nhiều quốc gia chưa áp dụng MPI hoặc cung cấp thiếu số liệu theo yêu cầu của công thức. Bởi chỉ số MPI cung cấp đánh giá toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của từng quốc gia với nhiều khía cạnh bổ sung như các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…
Từ đây, có thể thấy, các chính sách giảm nghèo của Việt Nam đáp ứng khá tốt những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ theo hướng bền vững của thế giới. Chính vì thế, những thành tựu trong công tác giảm nghèo của nước ta đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 28/4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp - Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022”.
Theo đó, WB nhận định “Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong vòng chưa đầy 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay gần như không có tiền lệ”. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá những kết quả Việt Nam đạt được là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo hiện nay ở Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều trở ngại, thách thức. Nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ tái nghèo trong bốn năm (2016-2019) bình quân 4,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số nơi đời sống người dân còn gặp không ít trở lực, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Điển hình như tại Gia Lai, từ năm 2019-2022, toàn tỉnh có 461 hộ dân tộc thiểu số tái nghèo (chiếm 85,5%); tại Quảng Ngãi có 579 hộ nghèo phát sinh mới trong năm 2023. Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, áp dụng từ tháng 7/2024) nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.
Bên cạnh nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, điều kiện kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế thì bài toán giảm nghèo đa chiều của không ít địa phương, nhất là những địa phương vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nan giải bởi nhiều hộ nghèo không có đất, không tư liệu sản xuất; gia đình neo đơn, già yếu, không có sức lao động, không có tay nghề...
Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ sinh,… theo chuẩn nghèo đa chiều gặp không ít thử thách. Như tại Bắc Kạn, nhiều nơi đất canh tác cằn cỗi, thiếu nguồn nước tưới tiêu. Nhiều diện tích đất ruộng do không tự chủ được nguồn nước tưới, phải chuyển sang trồng hoa màu, tuy nhiên, năng suất thấp, giá trị kinh tế thu được không cao. Bên cạnh đó một số chính sách giảm nghèo vẫn thực hiện theo hình thức hỗ trợ không hoàn lại, cơ chế “cho không”, nhất là chính sách hỗ trợ vốn và chính sách hỗ trợ các yếu tố trực tiếp sản xuất như: con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại...
Những hỗ trợ này thực tế đã giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ nghèo song từ đây cũng làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận người dân; không khơi thông được nguồn lực trong dân đầu tư thêm vào sản xuất. Mặt khác, chính sách giảm nghèo đang tập trung nhiều ở khâu sản xuất (hỗ trợ vốn, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ vật tư nông nghiệp) hơn là việc tiêu thụ (hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ cho liên kết, bán hàng) cho nên chưa thật sự hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động... cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Đáng mừng là những trở ngại, thách thức đó đã và đang được các cấp ngành nỗ lực tháo gỡ tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, với dã tâm chống phá Việt Nam, trong khi cố tình lờ đi những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí luôn cố tình khoét sâu những hạn chế, bất cập sử dụng các âm mưu, thủ đoạn tinh vi hòng phá hoại các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được.
Nổi lên thời gian gần đây là việc xuyên tạc những chính sách nhân văn, đúng đắn, như cho rằng việc Nhà nước trợ cấp gạo cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng bị bóp méo thành Việt Nam đang rơi vào “tình trạng bất ổn về an ninh lương thực”, và “trở thành quốc gia thiếu lương thực”.
Hoặc lợi dụng việc phân bổ nguồn kinh phí hằng năm của Quốc hội cho các bộ, ngành, địa phương (được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng) các đối tượng tuyên truyền sai sự thật rằng việc phân bổ sử dụng nguồn kinh phí này không đúng mục đích, thiếu công bằng giữa các nhóm dân tộc… hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, khiến người dân mất lòng tin vào các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngày 8/10/2024, Bộ Công an và Tỉnh ủy Trà Vinh bàn giao 1.300 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở thuộc diện gia đình chính sách… trên địa bàn tỉnh đã lập tức bị các đối tượng chống phá bịa đặt rằng “tất cả số tiền này đều do dân đóng góp”, chính quyền và Bộ Công an đi “cướp công”; bất chấp sự thật là đề án này được thực hiện từ nguồn kinh phí của Bộ Công an vận động hằng năm (65 tỷ đồng) và kinh phí đối ứng của tỉnh Trà Vinh (19 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các đối tượng cực đoan, phản động lợi dụng tình trạng một bộ phận người dân còn gặp vướng mắc trong đời sống như thiếu nhà ở, chưa có việc làm, thu nhập thấp… để bôi nhọ “chế độ độc Đảng ở Việt Nam gây ra bất công xã hội khiến người dân bị phân biệt, đối xử; chính quyền không quan tâm đến các đối tượng yếu thế”.
Các đối tượng kích động, kêu gọi người dân muốn có cơm no, áo ấm, muốn có công bằng thì phải đấu tranh để thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phải “xóa bỏ độc tài”… Với những luận điệu này, dã tâm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch đã bị phơi bày.
Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo nhận diện, cảnh giác không tin, nghe theo những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật hoặc vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Song song đó, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần tiếp tục chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đối với hộ nghèo, hộ khó khăn. Trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.
Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của người dân; bên cạnh đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa với những cách làm sáng tạo.